Vẻ đẹp phụ nữ Việt được nâng niu trong BST “Ceramics” của NTK Phan Đăng Hoàng
Bức tranh lụa mang nét vẽ tao nhã chạm đến nấc thang thẩm mỹ mẫu mực. Nghệ thuật tạo hình gốm sứ biến những mảnh đất sét thô ráp trở nên mềm mại, chứa đựng tinh hoa nghề thủ công truyền dạy bao đời. Một Việt Nam mộc mạc, đầy thi vị lấy cảm hứng từ tranh lụa và gốm sứ ẩn hiện mỹ miều trên những tà váy áo trong bộ sưu tập “Ceramics” của nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng.
Ngay từ bộ sưu tập ready-to-wear đầu tiên mang tên “Sculpture”, Phan Đăng Hoàng đã khiến giới sành điệu xao xuyến trước cách tiếp cận nghệ thuật, thời trang và văn hóa Việt Nam khác biệt bằng nhãn quan thẩm mỹ hiện đại. 5 năm học tập và làm việc tại Ý, khoảng thời gian không quá dài nhưng cũng đủ để nhà thiết kế trẻ trải nghiệm sự biến hóa không ngừng của một trong bốn kinh đô thời trang lớn nhất thế giới. Điều khiến Phan Đăng Hoàng thành công mang thương hiệu Việt ra quốc tế, ghi tên vào lịch trình chính thức của Tuần lễ Thời trang Milan hàng năm nằm ở bí quyết đặt để hai điểm đối lập: truyền thống và hiện đại, thẩm mỹ Á Đông và phương Tây, thẩm mỹ và chức năng.
Ở bộ sưu tập “Sculpture”, Phan Đăng Hoàng mang đến linh hồn cho những thớ vải bằng cảm hứng điêu khắc từ các tác phẩm của nghệ sĩ Điềm Phùng Thị. Sang bộ sưu tập “Ceramics” được trình diễn tại Royal Palace of Milan trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Milan Xuân Hè 2025, Hoàng đưa giới mộ điệu bước vào một chiều không gian khác, nơi sự đối lập giữa nghệ thuật và thời trang giao thoa.
Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều “màn hôn phối” mãn nhãn giữa thời trang và nghệ thuật, thế nhưng cái hay mà Phan Đăng Hoàng gửi gắm vào bộ sưu tập “Ceramics” không chỉ nằm ở nghề truyền thống, mà còn là sự hòa quyện ăn ý giữa vẻ đẹp mềm mại và cứng rắn (được chắt lọc một cách khéo léo từ cảm hứng tranh lụa và gốm sứ). Cũng giống như hình tượng người phụ nữ trong mường tượng của Phan Đăng Hoàng, họ yêu kiều, duyên dáng, nhưng bên trong sở hữu khí chất mạnh mẽ, kiên cường.
Trong “Ceramics”, Phan Đăng Hoàng cộng hưởng nguồn tham chiếu từ tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh và tạo hình gốm sứ. Nếu tác phẩm “Chơi ô ăn quan”, “Đi cày”, “Đi cấy”, “Lên đồng”... của bậc thầy tranh lụa đất Việt mang dáng dấp mộc mạc, dung dị, thì gốm sứ mang đến những đường cong mềm mại và tinh tế. Mỗi bộ trang phục trong bộ sưu tập trở thành nhịp cầu nối giữa nghệ thuật và đời sống, thời trang và người phụ nữ.
“Tôi nghĩ đây là thời điểm phù hợp nhất để kết hợp hai nguồn cảm hứng này. Bởi vì gốm sứ rất gần gũi với đời sống của người Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Trong khi đó, tranh của Nguyễn Phan Chánh cũng xuất hiện rất nhiều đồ gốm sứ. Đồng thời, ông cũng sử dụng nhiều gam màu đất trong tranh của mình. Đó là lý do vì sao tôi kết hợp hai nguồn cảm hứng này với nhau trong bộ sưu tập”, nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng chia sẻ.
Những mặt cong uốn lượn mềm mại của gốm sứ đồng điệu với phom dáng cơ thể của người phụ nữ. Dựa trên điểm tương đồng đó, Phan Đăng Hoàng tạo hình cấu trúc trang phục với những đường cong sắc sảo và táo bạo. Về phần màu sắc chủ đạo, Hoàng chọn tông màu đất, lấy cảm hứng từ màu tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh. Bảng màu trung tính này trở thành bức phông nền hoàn hảo để áp dụng các kỹ thuật thủ công công phu như nhuộm vải bằng củ nâu, đính kết, đan len, thêu, dập ly, drapping, in đũi… Trong bộ sưu tập này, Phan Đăng Hoàng vô cùng tâm đắc chi tiết kim loại mạ vàng in 3D mô phỏng gương mặt người phụ nữ trên chiếc đầm đen kết sequin.
Ngoài ra, các chất liệu mang tinh thần dịu dàng như chiffon, organza, lụa, crepe, ren kết hợp ăn khớp với loại vải cứng cáp như denim, da, đũi, twill, cotton, twist, tạo nên chiều sâu cho những kiệt tác nghệ thuật có thể mặc được của bộ sưu tập “Ceramics”.
“Đây là bộ sưu tập thể hiện trọn vẹn tư duy thẩm mỹ của tôi nhiều nhất ở cái giai đoạn chuyển giao giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi vẫn luôn trân quý những giá trị truyền thống và tìm kiếm nguồn cảm hứng từ những nghệ sĩ có thành tựu nổi bật của Việt Nam. Tôi tin những nguồn cảm hứng đó sẽ giúp tôi tạo nên sự phá cách trên sàn diễn quốc tế”, Phan Đăng Hoàng chia sẻ.
Bài: Navigator Media
Comments