top of page
Ảnh của tác giảNavigator Media

Turquoise - Sắc xanh đá quý ngọc lam huyền hoặc trong trái tim nhân loại

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, sắc xanh Turquoise (màu xanh sáng pha trộn giữa xanh dương và xanh lá) đã luôn được nhiều nền văn minh trên thế giới ngưỡng vọng và trân quý. Niềm yêu thích này lớn đến nỗi, người ta tìm thấy những mỏ đá cổ xưa đã bị khai thác đến tận cùng.


Bên trong Thánh đường Hồi giáo Shah, xây dựng vào thế kỉ 17 tại Isfahan, Iran.

Là một trong những loại đá quý đầu tiên mà vô số nền văn minh thèm muốn, đá Turquoise xuất hiện sớm nhất ở Sinai và Ba Tư. Vì Turquoise tương đối dễ cắt gọt và tạo hình nên nó được sử dụng làm đồ trang sức và trang trí. Người ta tìm thấy nhiều mỏ Turquoise tại Trung Quốc, Iran, phía tây nam Hoa Kỳ và Trung Mỹ. Con đường tơ lụa đã góp phần đưa màu xanh huyền diệu này đến nhiều vùng đất xa xôi.


Pliny, Artistotle và Marco Polo đều từng đề cập đến màu ngọc lam trong các tác phẩm của mình. Từ “turquoise” hiện đại được dùng từ thế kỷ 17, xuất phát từ “turquois” trong tiếng Pháp (nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ), vì loại đá này được đưa đến phần lớn châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.


Một mỏ đá Turquoise được phát hiện tại Neyshabur, Iran. Ảnh chụp bởi Farhad Safari.

Turquoise với Ai Cập cổ đại


Ai Cập cổ đại là nơi ghi nhận việc sử dụng đá ngọc lam sớm nhất (theo một số nguồn là vào năm 5500 trước Công nguyên). Được gọi là “mefkhat”, Turquoise luôn gắn liền với giới quý tộc và nữ thần Hathor trong văn hoá Ai Cập. Loại đá quý này được khảm trên nhiều vật dụng như bùa hộ mệnh, chuỗi hạt, vòng cổ và đặc biệt là bức tượng bán thân bằng vàng nổi tiếng của Pharaon Tutankhamun. Bởi trong văn hoá Ai Cập cổ, màu xanh ngọc đại diện cho khả năng sinh sản và thảm thực vật tươi tốt.


Viên đá Turquoise hình bọ hung phối kết cùng chiếc nhẫn vàng dưới đây là một ví dụ tuyệt đẹp cho đồ trang sức và bùa hộ mệnh trong thời Trung vương quốc Ai Cập.


Chiếc nhẫn không chạm khắc kết hợp với viên đá ngọc lam hình bọ hung, thời Trung vương quốc từ năm 1850–1640 trước Công nguyên, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York.

Turquoise tại Ba Tư


Ba Tư (Iran ngày nay) cũng là nền văn hóa sử dụng đá ngọc lam từ rất sớm. Họ đã tích hợp Turquoise vào kiến ​​trúc và tranh khảm trên các bức tường của nhà thờ Hồi giáo. Họ dùng từ “pērōzah” để chỉ sắc ngọc lam tôn quý của mình, trong tiếng Ba Tư từ này có nghĩa là chiến thắng. Turquoise là màu sắc thiêng liêng, đại diện cho địa đàng trên mặt đất.


Thánh đường Hồi giáo Shah ở Isfahan hiện là Di sản Thế giới được UNESCO, cũng chính là báu vật của người Iran. Màu ngọc lam phối cùng sắc xanh cobalt và lưu ly trải dài trên các bức tranh khảm và chữ khắc tường phức tạp, tạo nên một chỉnh thể rực rỡ hớp hồn. Mái vòm tại thánh đường này được chạm khắc muqarnas tinh xảo, một loại hình điêu khắc đặc biệt trong kiến ​​trúc Hồi giáo.


Bên ngoài Thánh đường Hồi giáo Shah, xây dựng vào thế kỉ 17 tại Isfahan, Iran.

Turquoise trong văn hoá Trung Mỹ


Không chỉ có mặt ở khắp lục địa Á - u - Phi, sắc xanh huyền ảo này còn vượt Đại Tây Dương đến Châu Mỹ xa xôi. Tại đây, đá Turquoise là một phần vô cùng quan trọng trong nghệ thuật và lễ nghi truyền thống, thậm chí còn quý giá hơn vàng ròng. Người Aztec ở miền trung Mexico đã khảm đá ngọc lam lên mặt nạ, khiên, dao và đồ trang sức để tô điểm cho các nghi lễ tế thần. Ở Aztec, người ta gọi loại đá mang màu sắc độc đáo này là “xihuitl”, nghĩa là “năm” (year).


Dưới đây là biểu tượng rắn hai đầu dùng để đeo trên ngực vào thế kỉ 15, với khoảng 15.000 mảnh khảm đá Turquoise bao phủ một bức tượng gỗ rỗng. Tựa như sự thay da của loài rắn, màu ngọc lam đại diện cho sự đổi mới và khả năng sinh sôi nảy nở. Đồng thời, biểu tượng này cũng mang ngụ ý về sức mạnh và khơi gợi sợ hãi.


Rắn hai đầu trong văn hoá Aztec trong khoảng thế kỉ 15-16. Bảo tàng British Museum, London, Anh.

Những nền văn minh này tuy vô cùng xa xôi và khác biệt, có thể thấy cụ thể ở cách thức xử lý và sử dụng đá ngọc lam, nhưng vị thế tôn quý của Turquoise trong văn hoá của họ lại giống nhau đến kinh ngạc. Và dù năm tháng qua đi, con người hiện đại vẫn giữ trong trái tim mình tình yêu với sắc ngọc lam ngời sáng, hệt như cách ta từng làm cách đây nhiều thế kỷ.


Bài: Thu Trang - Theo DailyArt Magazine



Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page