Trường phái Biểu hiện Expressionism và những lật giở thú vị (Kỳ 2)
Sau sự tan rã của vài nhóm thuộc Trường phái Biểu hiện ở Đức, phong trào này vẫn tiếp tục đi lên bằng nhiều cách khác nhau thông qua tác phẩm của các họa sĩ đơn lẻ như Paul Klee và Max Beckmann. Tinh thần Biểu hiện tái xuất hiện trong nghệ thuật thế giới suốt thế kỉ XX.
Trường phái Trừu tượng mang tính Biểu hiện (Expressive Abstraction)
WASSILY KANDINSKY (1866-1944)
‘Composition IV’, 1911 (sơn dầu trên canvas)
Tranh của Kandinsky dần xa rơi khỏi sự thể hiện tả thực các hình thể để bước vào cõi tinh thần của trừu tượng. Từ khi còn bé ông đã học nhạc, chơi piano lẫn cello. Ông còn có sự phát triển rất cao về phản ứng synaesthetic (trải nghiệm màu sắc phản hồi với những âm thanh nghe được) và ông nhận ra màu có thể kích thích cảm xúc tương tự như âm nhạc chạm tâm hồn ta. Mối liên kết giữa thị giác và thính giác truyền cảm hứng cho những thí nghệm với màu sắc như một yếu tố trừu tượng cho chủ đề nghệ thuật của ông.
Ý tưởng này càng được củng cố sau một trải nghiệm tình cờ vào năm 1908, “Tôi đang đi về nhà và chìm đắm trong suy nghĩ về bản phác họa của mình thì thình lình, trong lúc mở cửa studio tôi chạm mắt tới một hình ảnh với vẻ đẹp rực rỡ. Bối rối, tôi dừng lại và nhìn chằm chằm vào nó. Đó là một bức tranh không có bất kì chủ thể nào, được diễn họa với sự thiết sót của các vật thể định danh và hoàn toàn sáng tạo trên những mảng màu tươi sáng. Cuối cùng tôi bước tới gần hơn và thật sự nhìn thấy được điều đang diễn ra – bức tranh của chính tôi, đặt trên giá vẽ… Một thứ bỗng trở nên rõ ràng: tính khách quan và sự mô tả các vật thể, chúng không cần phải có bất kì chỗ nào trong tranh của tôi, chúng gây hại cho các bức tranh thì đúng hơn.”
Trong một ấn bản năm 1911, ‘Về vấn đề liên quan tới phi vật chất trong nghệ thuật’ (‘Concerning the Spiritual in Art’), ông chỉ ra rằng,“Màu sắc không thể đứng một mình; nó không thể phân chia ranh giới một số thứ…. Mức độ không-bao-giờ-kết-thúc của màu đỏ chỉ có thể nhìn thấy trong tâm trí; khi từ ‘màu đỏ’ được nghe thấy, màu sắc được gợi lên mà không cần giới hạn cụ thể nào.”
Những bức tranh của Kandinsky trong thời kì này là những nỗ lực để giải phóng chất lượng tâm linh của màu sắc bằng cách để nó vượt ra khỏi những định nghĩa cho các vật thể hữu hình. Trong việc tiến vào trừu tượng bằng cách phá vỡ ranh giới của những hình khối thực, ông cố gắng đi sâu vào sức mạnh biểu hiện của màu sắc như cách nó tồn tại trong tâm trí. Mặc dù vậy, trong tác phẩm có yếu tố âm nhạc và trừu tượng mang tên ‘Composition IV’ ở trên, vẫn có sự tham khảo mập mờ từ các hình ảnh và vật thể trong cảnh quan, màu sắc hiện ra như một sức mạnh chớp nhoáng tạo ra năng lượng cho toàn bộ bức tranh.
Kandinsky là nghệ sĩ đầu tiên đưa tranh vẽ tiến vào trừu tượng hoàn toàn. Ông phát biểu, “Trong số những loại hình nghệ thuật, trừu tượng là khó nhằn nhất. Nó đòi hỏi bạn phải vẽ tốt, bạn phải có sự nhạy cảm hơn thảy trong bố cục cũng như màu sắc, và bạn là một nhà thơ đích thực. Điều cuối cùng là cần thiết nhất.”
PAUL KLEE (1879-1940)
‘Ad Parnassum’, 1932 (sơn dầu trên bảng gỗ)
Họa sĩ người Thụy Sĩ – Paul Klee – tham gia vào triển lãm Der Blaue Reiter lần hai. Với sự ảnh hưởng của Kandinsky, Marc và Macke, Klee trở nên hứng thú với cách sử dụng màu sắc trừu tượng. Klee, cũng như Kandinsky, là một nhạc công tài năng và động lực thúc đẩy sự nghiệp của ông chính là mối quan hệ giữa nghệ thuật và âm nhạc. Bức tranh phía trên minh họa mối liên kết giữa các loại hình nghệ thuật.
Tựa đề ‘Ad Parnassum’ (hướng tới Parnassus) đề cập đến núi Parnassus (ngôi nhà của Muses – chín nữ thần của các lĩnh vực nghệ thuật trong thần thoại Hy Lạp) và ‘Gradus Ad Parnassum’ (Đường tới Parnassus – tên của một quyển sách giáo khoa kinh điển vào thế kỉ XVIII về đối âm trong âm nhạc). Hình tam giác rõ nét ở trên cùng của tranh thể hiện đỉnh Parnassus, vòng tròn màu cam tượng trưng cho mặt trời và hình vòng cung ở phía dưới chỉ cánh cửa đến ngôi đền. Yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm này là cách Klee sử dụng màu sắc để diễn tả ý tưởng về âm nhạc. Các bản vá nền của hậu cảnh với nhiều màu sắc khác nhau như các hợp âm của bố cục âm nhạc; trong khi đó, những bề mặt chấm li ti tựa như khảm thì sáng màu hơn, được dùng như đối trọng để hoàn thiện nên giai điệu.
Vượt khỏi trường phái Biểu hiện
MAX BECKMANN (1884-1950)
‘The Departure’, 1932-33 (tranh triptych – sơn dầu trên canvas)
Sau sự tan rã của vài nhóm thuộc Trường phái Biểu hiện ở Đức, phong trào này vẫn tiếp tục đi lên bằng nhiều cách khác nhau thông qua tác phẩm của các họa sĩ đơn lẻ như Paul Klee và Max Beckmann. Tinh thần Biểu hiện tái xuất hiện trong nghệ thuật thế giới suốt thế kỉ XX: Francis Bacon ở Anh, những nghệ sĩ thuộc Trừu Tượng – Biểu hiện (Abstract Expressionists) ở Mỹ và cuối cùng quay về Đức dưới hình dạng của Ansel Kiefer vào quãng cuối 1/4 thế kỉ XX.
Max Beckman tiếp tục tinh thần phản kháng của Phong trào Cây cầu (Die Brücke) cũng như mối quan hệ với nghệ thuật ở quá khứ trong các ẩn dụ nhiễu loạn về sự ngược đãi và cô lập. Những hình ảnh mạnh mẽ này được tạo ra bởi các chấn thương tâm lý của ông về chiến hào trong y khoa quân đội vào Thế Chiến I. Ông thường lấy cái hình ảnh tôn giáo của tranh ba tấm (triptych) cho bố cục tranh mình, gợi nhớ đến nghệ thuật thời Phục Hưng như bức Isenheim Altarpiece.
FRANCIS BACON (1909-1992)
‘Study after Velazquez’s Portrait of Pope Innocent X’, 1953
(tranh sơn dầu trên canvas)
Họa sĩ người Anh – Francis Bacon – thường dùng format của tranh triptych cho những hình ảnh hỗn loạn của ông để nói về nỗi lo âu sau thế chiến và sự ruồng bỏ. Dù cá nhân ông phủ nhận ảnh hưởng của Trường phái Biểu hiện trong tranh mình, phiên bản thú vị của ‘Pope Innocent X’ (lần nữa gợi nhớ tới nghệ thuật quá khứ bởi nó dựa trên tranh của Veláquez năm 1650), tái tạo lại nguyên mẫu gốc của tranh thuộc trường phái Biểu hiện: ‘The Scream’ của Edvard Munch.
Các lưu ý về Expressionism
ERNST LUDWIG KIRCHNER (1880-1938)
‘Nollendorfplatz’, 1912 (tranh sơn dầu trên canvas)
‘Sự biểu lộ bản thân’ trong tranh của Vincent van Gogh và Edvard Munch truyền cảm hứng cho các họa sĩ Biểu hiện vào thế kỉ XX.
Trường phái Biểu hiện ở Đức còn gây nguồn sáng tạo cho Trường phái Dã thú (Fauvism), Gothic Đức và Nghệ thuật Nguyên thủy (Primitive Art).
Trường phái Biểu hiện ở Đức còn được chia làm hai phía: Phong trào Cây cầu (Die Brücke) và phong trào Kỵ mã xanh (Der Blaue Reiter).
Die Brücke (Cây cầu) là một cộng đồng nghệ thuật của những họa sĩ trẻ thuộc Biểu hiện tại Dresden (Đức). Mục tiêu của họ là lật đổ những truyền thống bảo thủ của nghệ thuật Đức. ‘Cây cầu’ của họ chính là con đường đến một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn của nghệ thuật tại Đức.
Der Blaue Reiter là một ấn phẩm bao gồm các luận văn về hình dạng của nghệ thuật Biểu hiện. Mục đích của các triển lãm mang tên Der Blaue Reiter là tìm kiếm nền tảng sáng tạo chung giữa những loại hình nghệ thuật đa dạng.
Sau sự tan rã của những nhóm thuộc Biểu hiện, phong trào này lan rộng và tiến lên bằng tác phẩm của những họa sĩ riêng lẻ trên toàn thế giới.
Xem lại Kỳ 1
Bài: Navigator Media
Comments