top of page
Ảnh của tác giảNavigator Media

Trường phái Biểu hiện Expressionism và những lật giở thú vị (Kỳ 1)


Trường phái Biểu hiện (Expressionism) là một thuật ngữ để chỉ phong cách hội họa, âm nhạc và văn chương mang tính tâm linh và đầy xúc cảm vào những năm đầu của thế kỉ XX.

ERNST LUDWIG KIRCHNER (1880-1938)

‘Davos under Snow’, 1923 (sơn dầu trên canvas)


Cái nôi của Expressionism


MATTHIAS GRÜNEWALD (1475-1528)

‘Crucifixion Panel from the Isenheim Altarpiece', 1515 (sơn dầu trên gỗ)


Trường phái Biểu hiện (Expressionism) gắn liền ở Bắc Âu nói chung và nước Đức nói riêng. Tinh thần của những người theo trường phái này đã luôn tồn tại trong tâm tưởng người Đức. Những đặc điểm ban đầu của Expressionism có thể được nhận thấy trong sự khắc họa nỗi khổ đau về vật chất lẫn tinh thần như tranh ‘Crucifixion’ của Grünewald' (ảnh trên); trong viễn cảnh bị giày vò ở tranh khắc của Martin Schongauer, ‘Temptation of Saint Anthony’ (ảnh dưới).

MARTIN SHONGAUER (1448-1491)

‘The Temptation of Saint Anthony’ khoảng năm 1480

(tranh chạm khắc trên đồng)


Tới cuối thế kỉ XIX, tinh thần của người theo trường phái này tái xuất hiện trong các tranh của hai nhân tố tách biệt và vụng về – một là họa sĩ người Hà Lan Vincent van Gogh, người còn lại là họa sĩ Na Uy Edvard Munch.


Trong khi những người theo trường phái Ấn Tượng ngưỡng mộ vẻ đẹp và sự hài hòa sắc màu của phong cảnh tự nhiên, Van Gogh và Munch lại có quan điểm khác biệt. Họ chọn cái nhìn đi sâu vào nội tâm để khám phá hình thức “tự thể hiện” (self-expression); thứ đem đến tiếng nói cá nhân mạnh mẽ trong thế giới mà họ luôn cho rằng nó đầy bấp bênh và chống đối. Bởi vì sự tìm kiếm mang tính chủ quan cho sự thật chứa đầy tình cảm cá nhân như thế, nó thúc đẩy họ và mở đường cho các hình thức nghệ thuật Biểu hiện của thế kỉ XX đi sâu vào việc khám phá cảnh quan bên trong tâm hồn.

VINCENT VAN GOGH (1853-1890)

‘Sunflowers’, 1888 (sơn dầu trên canvas)


Các tranh như ‘Sunflowers’ (1888) của Van Gogh hướng đôi mắt ta vào cường độ của những sắc màu biểu cảm. Người họa sĩ sử dụng màu để diễn tả cảm xúc đối với vật thể thay vì đơn giản chỉ mô tả nó. Trong lá thư gửi em trai Theo van Gogh, Vincent giải thích: “Thay vì tìm cách sao chép những gì mắt nhìn thấy, anh muốn dùng màu một cách linh hoạt hơn để diễn tả sinh động về bản thân mình.”


Tầm nhìn ấy giúp ông giải phóng màu sắc như một công cụ đầy cảm xúc của nghệ thuật thế kỉ XX; sức sống hiện lên trong từng nét cọ trở thành ảnh hưởng chính trong sự phát triển của kĩ thuật vẽ tranh Dã Thú (Fauvism)Biểu hiện (Expressionism).

EDVARD MUNCH (1863-1944)

‘The Scream’, 1893 (sơn dầu, màu keo, phấn tiên trên bảng)


Bức tranh ‘The Scream’ (1893) của Munch có tầm ảnh hưởng tương đương. Nó cho ta một bản phác họa về tâm lý của nghệ thuật Biểu hiện: Các hình dạng bị bóp méo, màu sắc cường điệu hóa khuếch đại cảm giác lo âu và cô lập. ‘The Scream’ là tiếng khóc của Munch giữa nơi hoang tàn, tuyên bố sự tiên liệu về thông điệp của những người theo trường phái Biểu hiện trước mười lăm năm lúc thuật ngữ này xuất hiện.


“Lúc đấy tôi đang tản bộ với hai người bạn. Mặt trời lặn. Một nỗi buồn neo lại trong tôi. Bỗng dưng bầu trời nhuốm một màu đỏ máu. Tôi dừng lại, dựa vào lan can, chết lặng trong mỏi mệt. Rồi tôi nhìn thấy những đám mây rực cháy treo lửng lờ như máu và một thanh gươm bao trùm trên vịnh xanh-đen cũng như cả thành phố. Mấy người bạn vẫn cứ thế rảo bước. Còn tôi đứng đấy, run rẩy trong sợ hãi. Và tôi đã cảm giác như có một tiếng thét chói tai không ngưng nghỉ xé toạc Tự nhiên.”


Phong trào Die Brücke (‘Cây Cầu’/The Bridge)


KARL SCHMIDT-ROTTLUFF (1884-1976)

‘Madchen aus Kowno’, 1918 (tranh khắc gỗ)


Phong trào Die Brücke hay The Bridge thành lập ở Dresden (Đức) năm 1905 bởi Ernst Ludwig Kirchner (1880-1938) , Karl Schmidt-Rottluff (1884-1976), Erich Heckel (1883-1970) và Fritz Bleyl (1880-1966). Ý nghĩa của tên gọi này gợi ý rằng họ muốn xây dựng Die Brücke (cây cầu) từ những tượng đài nghệ thuật lớn của Đức như Dürer và Grunewald đến một tương lai mới và tốt đẹp hơn, đối đầu với các nghệ sĩ Giai cấp Tư sản đương thời.


Họ còn viết một bản tuyên ngôn mà Kirchner khắc trên gỗ, “Đặt niềm tin của mình vào một thế hệ mới đầy sáng tạo và mến mộ hội họa, chúng tôi kêu gọi mọi người trẻ hãy tụ hội. Và bởi vẫn còn tươi trẻ cũng như mang trong mình cả tương lai, chúng ta muốn giành lấy quyền sống và dịch chuyển khỏi sự sung túc thoải mái đã được tạo lập của những thế hệ đi trước. Bất kì ai trực tiếp và chân thành tái kiến tạo lực lượng mà có thể thúc đẩy chính bản thân mình đi tiếp, họ đều là một phần của chúng tôi.”


Những thành viên của Phong trào Die Brücke theo cách sống tự do phóng túng và sống như một phần của cộng đồng nghệ thuật tại một quận thuộc khu vực lao động ở Dresden; họ chủ ý tách mình khỏi “sự sung túc thoải mái đã được tạo lập”. Họ cho rằng người nghệ sĩ cần phải có hoàn toàn tự do bày tỏ, không bị xiềng xích bởi quy tắc xã hội hay lề thói nghệ thuật.


Cũng như những phong trào nghệ thuật khác, họ nhìn lại quá khứ để tiến lên phía trước. Nghệ thuật Gothic mang tinh hoa của Đức cũng như không khí u tối tương đối thích hợp để trở thành cảm hứng tự nhiên cho Phong trào. Các hình dạng lởm chởm của Gothic dễ dàng hợp nhất cùng những từ vựng thị giác ban đầu của nghệ thuật Châu Phi và Châu Đại Dương mà họ đã khám phá được ở bảo tàng Dân tộc học ngay tại Dresden.

EMILE NOLDE (1867-1956)

‘Crucifixion’, 1912 (sơn dầu trên canvas)


Dạng nghệ thuật chính xuất hiện trong sự hợp nhất phong cách này là khắc gỗ (woodcut). Khắc gỗ đã là phương thức in truyền thống của Đức cho lối minh họa dẫn chuyện. Khi hợp cùng từ vựng của Nghệ thuật Nguyên thủy (Primitive Art), phương pháp này trở thành công cụ mạnh mẽ để truyền tải biểu hiện cá thể. Một sự thay thế hiện đại cho phương pháp truyền thống này là linocut (in trên ván lót sàn), xuất hiện từ Die Brücke.


Bản tuyên ngôn của Phong trào này là lời mời gọi đến những họa sĩ cùng tư tưởng đến tham gia. Emil Nolde là một ví dụ. Tranh của vị họa sĩ này theo con đường tương tự như Phong trào Die Brücke, sau đó tham gia hội vào năm 1906. Mặc dù vậy, Nolde chỉ là thành viên trong thời gian ngắn vì lối sống cộng đồng này không như kỳ vọng của ông. Emil Nolde lớn tuổi hơn và bảo thủ hơn những người trẻ hoạt động cho Die Brücke.


Đối tượng yêu thích của Nolde là những vùng biển u ám gợi lên hình ảnh tuổi trẻ của ông cũng như các chủ đề Kinh thánh phản ánh sự giáo dục nghiêm khắc trong suốt quãng thời gian lớn lên của vị họa sĩ. Ông mê đắm sự diễn tả cường điệu của bức Isenheim Altarpiece và tạo ra một phiên bản của chính mình: tranh tam liên họa (polyptych) chia thành chín phần tranh nhỏ diễn tả cuộc đời của Chúa. Bản tranh ở giữa phía trên là hình ảnh khi Chúa bị đóng đinh trên Thánh giá dựa vào tuyệt tác của Grünewald, là bức kinh điển thuộc Trường phái Biểu hiện. Một sự pha trộn phong cách của bản vẽ Nguyên thủy (primitive) với sự cường điệu về màu của trường phái Dã thú (Fauves), sắp xếp lại với nhau theo bố cục Gothic của Đức.


Phong trào Der Blaue Reiter (Kỵ mã xanh/The blue rider)


AUGUSTE MACKE (1887-1914)

‘Girls Under Trees’, 1914 (sơn dầu trên canvas)


Der Blaue Reiter (The Blue Rider) không hẳn là một nhóm thuộc Biểu hiện mà như là một nhóm tập hợp các tài năng đa dạng cống hiến cho sự xuất bản ấn phẩm thường niên ‘Der Blaue Reiter’ và hai triển lãm cùng tên.


Ấn phẩm Der Blaue Reiter xuất bản vào tháng 5/1912 bởi Wassily Kandinsky và Franz Marc. Tên sách được lấy từ một bức tranh người kỵ mã xanh được sử dụng để làm bìa. Kandinsky có nói, “Cả hai chúng tôi đều yêu màu xanh: Marc yêu những chú ngựa, bản thân tôi lại yêu những người kỵ sĩ. Vậy nên cái tên The Blue Rider/ Der Blaue Reiter hình thành từ đó.”


Trong khi Die Brücke góp nhặt Nghệ thuật Nguyên thủy như một phong cách thô mộc có thể lật đổ truyền thống đã được gầy dựng, những họa sĩ của Der Blaue Reiter lại bị thu hút bởi khía cạnh huyền bí hơn của Nghệ thuật ấy, đặc biệt là mối quan hệ giữa tinh thần và siêu nhiên. Nghệ thuật Nguyên thủy có sự thuần khiết nhất định đủ để tách khỏi sự chủ nghĩa duy vật và sự suy đồi của thời đại – là “cây cầu bước vào linh hồn” như Marc từng nhắc đến.


Các triển lãm của Der Blaue Reiter diễn ra tại Munich (Đức) và trước khi xuất bản ấn phẩm của họ. Triển lãm đầu tiên với tranh của Kandinsky, Marc, Auguste Macke cùng một số họa sĩ khác diễn ra vào tháng 12/1911; lần thứ hai, một triển lãm đồ họa bao gồm các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực đa dạng hơn, mở cửa vào mùa xuân năm 1912.


Mục đích của các đợt triển lãm Der Blaue Reiter đó là nhằm làm nổi bật những sự tương đồng ở các phương thức khác nhau để tạo ra nghệ thuật. Ví dụ, tìm kiếm nền tảng chung giữa Nghệ thuật Nguyên thủy Nghệ thuật Đương đại. Họ vạch ra mục tiêu này trong bảng danh mục của cuộc triển lãm đầu tiên, “Chúng tôi không tìm cách phổ biến bất kì hình thức chính xác hay cụ thể nào cả; mục đích của chúng tôi là cho thấy trong sự đa dạng của những hình thức được thể hiện, cái cách mà khát vọng thầm kín của người họa sĩ được nhìn thấu ở nhiều phương pháp khác nhau.”


Der Blaue Reiter đặt dấu chấm hết từ sau cái chết của Franz Marc và Auguste Macke giữa Thế Chiến I.


Xem tiếp Kỳ 2

Bài: Navigator Media

Theo Fashionnet.vn

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page