Trung Quốc dự kiến chi gói 400 tỉ USD để cải tổ doanh nghiệp nhà nước
Trung Quốc có một mạng lưới rộng lớn các doanh nghiệp nhà nước, trong đó chính quyền trung ương trực tiếp kiểm soát 97 công ty trong các ngành công nghiệp then chốt. Các doanh nghiệp trung ương này nắm giữ cơ sở hạ tầng và sản xuất quan trọng của đại lục…
Trung Quốc sẽ chi hơn 400 tỉ đô la trong 5 năm tới nhằm đổi mới thiết bị và công nghệ, đồng thời tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Quyết định này được ban hành chỉ trong vòng hơn một tuần sau khi Hội nghị Trung ương 3 bế mạc.
Doanh nghiệp quốc doanh đóng vai trò dẫn dắt
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sẽ đầu tư 3.000 tỉ nhân dân tệ (413,8 tỉ đô la) nhằm nâng cấp thiết bị và công nghệ, Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước của Hội đồng Nhà nước (SASAC) công bố hôm 27-7. Bà Liu Shaowei, người đứng đầu SASAC, nói với báo chí rằng các doanh nghiệp thuộc quản lý của chính phủ trung ương sẽ “đóng vai trò dẫn đầu trong đợt đổi mới thiết bị quy mô lớn hiện nay”.
Trung Quốc có một mạng lưới rộng lớn các doanh nghiệp nhà nước, trong đó chính quyền trung ương trực tiếp kiểm soát 97 công ty trong các ngành công nghiệp then chốt. Các doanh nghiệp trung ương này nắm giữ cơ sở hạ tầng và sản xuất quan trọng của đại lục như Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, các nhà sản xuất năng lượng như China Petrochemical và các doanh nghiệp liên quan đến xây dựng như Công ty Vật liệu xây dựng quốc gia Trung Quốc. Ngoài ra còn có các nhà thầu chính trong ngành công nghiệp quốc phòng và chương trình không gian của đất nước.
SASAC sẽ tăng cường hỗ trợ chính sách và hướng dẫn các đại công ty “tập trung vào hướng đi của cuộc cách mạng công nghệ và những thay đổi công nghiệp mới”, bà Liu nhấn mạnh.
Sáng kiến này sẽ tập trung vào việc thay thế thiết bị cũ bằng các thiết bị công nghệ cao, hiệu quả và an toàn cũng như thân thiện với môi trường. Liu cho biết SASAC sẽ nhắc nhở các công ty trung ương rằng họ sẽ được “đối xử bình đẳng như mọi công ty khác, mua công nghệ ở mức tốt nhất và thiết bị tiết kiệm chi phí nhất”.
Bà cho biết trong nửa đầu năm nay, đầu tư vào tài sản cố định của các doanh nghiệp trung ương đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đầu tư vào “các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược” tăng 16,9%. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt 434 tỉ nhân dân tệ, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Liu nói Trung Quốc đang phải đối mặt với “môi trường bên ngoài phức tạp” trong nửa cuối năm nay. Bà cho biết trong khi thúc đẩy hiệu quả và đầu tư vào thiết bị và nghiên cứu mới, các doanh nghiệp nhà nước cần “kiểm soát chặt chẽ” các rủi ro như nợ tăng quá mức và đi chệch hướng sang các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi.
Trước đó một ngày, hôm 26-7 Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định chính sách kinh tế, và Bộ Tài chính nói rằng một khoản ngân sách khác khoảng 300 tỉ nhân dân tệ sẽ được dùng cho các mục tiêu tương tự.
Trong đó, 50% sẽ dùng để nâng cấp thiết bị, 50% còn lại dùng để kích thích tiêu dùng và trợ cấp cho người dân mua hoặc thay mới các mặt hàng chiến lược như xe điện (chính phủ tài trợ 20.000 nhân dân tệ cho người mua xe mới), thiết bị điện gia dụng như máy điều hòa, máy giặt…
Nguồn ngân sách này sẽ được trích từ 1.000 tỉ nhân dân tệ trái phiếu siêu dài hạn sẽ được phát hành trong nửa cuối năm.
Cổ phiếu của các hãng thiết bị gia dụng Trung Quốc đã tăng đáng kể hôm 27-7, sau bốn ngày các chỉ số chuẩn của thị trường chứng khoán đại lục giảm liên tiếp. Cổ phiếu của hãng điện gia dụng Hisense Home Appliances và hãng tủ lạnh Guangdong TCL Smart Home Appliances đã đạt mức trần 10% trong ngày.
Tăng gấp đôi tốc độ cải cách
Hội nghị Trung ương 3 – hay Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – diễn ra trong bốn ngày từ 15 đến 18-7 tại Bắc Kinh. Tại hội nghị này, Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa đã nhấn mạnh chiến lược phát triển “lực lượng sản xuất chất lượng mới” với trọng tâm là tăng tính hiệu quả, dẫn dắt của các ngành công nghiệp Trung Quốc, vốn thuộc các SOE lớn trong các lĩnh vực then chốt như xe điện, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới…
Các nhà phân tích nói các quyết nghị mới từ Hội nghị Trung ương 3 là “tăng gấp đôi liều lượng” các chính sách hiện có nhắm giải quyết tình trạng kinh tế đình trệ, sức mua nội địa yếu, bất động sản đóng băng và đối đầu thương mại gia tăng. GDP chỉ tăng 4,7% trong quí 2 vừa rồi, thấp hơn so với kỳ vọng.
Ngân hàng đầu tư JPMorgan nhấn mạnh, từ năm 2020, Bắc Kinh đã đẩy nhanh tốc độ cải cách SOE với lời thúc giục các công ty tăng hiệu quả vốn và lợi nhuận trả cổ đông. Các doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 50% vốn hóa thị trường cổ phiếu trong nước. Tuy vậy, cải cách SOE đang trong bối cảnh không thuận lợi khi tăng trưởng chậm hơn, đòn bẩy cao và sức mua yếu.
Giải phóng sức mạnh và khơi mở giá trị SOE có tầm quan trọng lớn. Bởi điều này cũng củng có niềm tin tiêu dùng của các hộ gia đình Trung Quốc vốn nắm giữ khoảng 19.000 tỉ đô la tiền tiết kiệm ngân hàng.
Bài: Navigator Media
Comments