top of page

Triển lãm "NEO NIRVANA" của Tùng Monkey - Khi nghệ thuật trở thành hành trình chữa lành


Lê Thanh Tùng, còn được biết đến với nghệ danh Tùng Monkey hay Crazy Monkey, nổi bật trong cộng đồng nghệ thuật thị giác với sự nỗ lực đưa nghệ thuật truyền thống vào không gian số. Xuyên suốt hơn 15 năm kinh nghiệm làm Nghệ sĩ Thị giác và Giám đốc Sáng tạo, Tùng liên tục mở rộng biên giới sáng tạo bằng Đồ họa Máy tính Thời gian thực, Công nghệ Hiển thị Thể tích, NFT và các ứng dụng nghệ thuật của Trí tuệ Nhân tạo (AI). Cách tiếp cận đổi mới của anh đã được hoan nghênh trong nhiều sự kiện nghệ thuật quốc tế uy tín: Từ triển lãm La Rochelle tại Springtimes Delight Festival ở Pháp năm 2014, triển lãm Siggraph Asia: Life on Earth tại Phòng trưng bày Nghệ thuật KOBE, Nhật Bản năm 2015, đến Biennale Design London ở Vương quốc Anh năm 2018, và triển lãm đa giác quan Disembedding tại Bảo tàng Nghệ thuật HOW ở Trung Quốc năm 2021 đã minh chứng một ngôn ngữ phổ quát về đổi mới và truy vấn nghệ thuật.


Triển lãm cá nhân “Neo Nirvana” sắp tới đánh dấu 15 năm hành trình sáng tạo của Tùng Monkey, được coi là triển lãm đa giác quan đầu tiên của một nghệ sĩ đương đại Việt Nam, chúng tôi đã có cơ hội ngồi lại và trò chuyện với Nghệ sĩ Tùng Monkey để hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển ý tưởng cũng như tầm nhìn đằng sau triển lãm này. 


 

Câu 1: Chào anh Lê Thanh Tùng, anh có thể giới thiệu đôi chút về cái tên của triển lãm không? 


Neo Nirvana nghĩa là Tân Niết Bàn. Đây là một chủ đề tôi đã tìm hiểu từ lâu, trong Đạo Phật và các thuyết tôn giáo nói chung, Niết Bàn là một không gian ta đạt được trong tỉnh thức, khiến ta được phục hồi và trở thành một bản thể khác tốt đẹp hơn. Thông qua ý niệm đó, tôi muốn tạo nên một không gian Niết Bàn thực sự theo cái nhìn của mình. Một hệ thống sắp đặt bao gồm ánh sáng, khối tượng, âm thanh, hình ảnh đồ họa, art video, mùi hương. Trước đây, tôi đã đưa nhiều hình ảnh đền, chùa, tượng cổ, hoa văn phong kiến mix với hiệu ứng đồ họa lên những sân khấu lớn. Đây là một sự thể nghiệm tôi đã thực hành nhiều năm.


 

Câu 2: Tại sao Màu Xanh là màu chủ đạo của triển lãm?


Màu Xanh là màu của thiên nhiên, màu của sự tái sinh, luôn mang lại cảm giác tự nhiên và tươi mới. Tôi quyết định dùng màu xanh để nhuốm màu toàn bộ triển lãm. Nhuốm màu từ nguồn sáng đèn LED, màn hình LED, khói, lazer trong khi khối tượng màu bạc mang lại sự hòa hợp hiệu quả về mặt thị giác. Đây là lần đầu tiên tôi tạo một concept đơn sắc hoàn chỉnh. Khán giả đi vào và bao phủ bởi màu của sự tái sinh, khiến tâm trí tập trung hoàn toàn vào không gian và tạo nên một trải nghiệm ấn tượng đến choáng ngợp. 

 

Câu 3: Anh có thể chia sẻ nguồn cảm hứng của anh tạo nên triển lãm này?


Neo Nirvana là một quan sát của tôi về cách mọi người nhìn nhận về niềm tin ngày nay. Chúng ta đang đối mặt với những khủng hoảng phạm vi toàn thế giới. Kể cả covid đã qua, ta vẫn gặp khó khăn với sự cô đơn trong cuộc sống đô thị và những cuộc xung đột niềm tin cá nhân. Tôi thấy thế hệ trẻ tìm kiếm lối thoát trong thế giới ảo, tìm kiếm niềm vui trong những thần tượng tương đồng với thế hệ của họ. Tôi thấy đó là sự chuyển biến rộng lớn trong xã hội Việt Nam, nơi giá trị truyền thống và khát vọng đương đại va chạm nhau. Thế hệ cũ sẽ đi lễ chùa, tham gia các hoạt động trong đền làng, thực hành những hoạt động tín ngưỡng. Trong khi thế hệ hiện nay sẽ tìm những thần tượng để hướng tới. 


Ý niệm nguyên bản về các thần tượng âm nhạc, điện ảnh, hình ảnh đại chúng đều xây dựng theo hình thức thần thánh như vậy: Hình ảnh hoàn hảo, to lớn, choáng ngợp, được hiển thị ra ngoài bằng vật thể hoặc hình ảnh bắt mắt trên quy mô lớn. Tôi thấy sự tương đồng giữa không gian tín ngưỡng và vùng đất mình đang sáng tạo. Không gian Nirvana có tượng to lớn, chắp tay, có ánh đèn LED tạo ánh hào quang bên dưới, tạo nên một không gian tương đồng về mặt thị giác giữa văn hóa, tâm linh với các hoạt động giải trí đương đại.  


 

Câu 4: Tại sao anh chọn hình tượng một cậu bé làm nhân vật chính của triển lãm?


Bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tạo của tôi là các chuyến đi sự kiện nghệ thuật quốc tế tham dự festival Spring Times Delight ở La Rochelle, Pháp năm 2013, Moten liveshow ở Odense, Đan Mạch năm 2018, và sắp tới đây là triển lãm Kiranamaya ở Bali, Indonesia và triển lãm Nuworlds tại 4A Gallery ở Sydney. Tôi nhận ra mình cần có hình tượng và tiếng nói riêng, khác biệt với các nghệ sĩ thế giới, nếu không anh sẽ trở nên rất mờ nhạt. Tôi là một người nghệ sĩ Việt Nam, Tôi không thể kể một câu chuyện giống họ được. 


Trong quá trình đi tìm nhân vật cho mình, đó cũng là thời điểm tôi có đứa con đầu tiên. Khi có con tôi nhận ra cuộc sống có thể đa dạng và thú vị đến nhường nào, mình là một con người, mình có thể tạo ra một con người khác. Vậy nên, tôi chọn hình tượng một đứa trẻ con tên là KU, cởi trần, đáng yêu, luôn nhảy múa, chuyển động và khám phá thế giới. KU mang Thóp trên đầu, có một câu chuyện tương truyền Thóp là con mắt thứ ba của con người, trong quá trình tiến hóa ta đánh mất con mắt ấy cũng như sự liên kết của mình với trời đất. Tôi luôn muốn bản thân mình như vậy, giữ mãi sự vô tư, hồn nhiên, cởi mở với thế giới.


KU mang dấu ấn đáng kể trong các tác phẩm của tôi trong suốt mười năm qua. Trước

đây, tôi chỉ sáng tạo KU trên hình ảnh đồ họa, trong triển lãm này, KU là những khối hình điêu khắc to lớn, chiều cao khoảng hai mét, bức tượng ngồi lớn nhất của triển lãm nếu để đứng lên thì có thể cao lên tới bốn mét. Một hình ảnh rất trẻ thơ nhưng lại tạo cảm giác vĩ đại cho người xem, một sự trân trọng đứa trẻ bên trong của chính mình.


 

Câu 5: Neo Nirvana có sự khác biệt như thế nào so với các triển lãm đa giác quan khác?


Triển lãm được sắp đặt phi tuyến tính và mang tính tương tác. Một không gian nghệ thuật đa chiều, không theo một trật tự cố định, nơi người xem có thể tìm thấy con đường riêng của mình để kết nối, suy ngẫm, tự do khám phá, đúng với tinh thần của Nghệ thuật Đương đại: Khán giả là một phần tác phẩm.

Yếu tố Visual Jockey (VJ) trong triển lãm "Neo Nirvana" đóng vai trò không thể thiếu trong việc tăng cường trải nghiệm nhập vai này, từ việc sử dụng ánh sáng, âm thanh động, giao diện đồ họa, điêu khắc hoành tráng đến kỹ thuật tương tác và thực tế ảo, thách thức nhận thức của người xem về hiện thực.


 

Câu 6: Thông qua triển lãm, anh muốn gửi gắm đến thông điệp gì cho khán giả?


Sự tái sinh là điểm đến tất yếu trong đường đời của một con người. Bất kể với vận tốc nào, hay trạng thái nào, sự tái sinh sẽ chạm tới bạn ở những thời điểm và những hình hài khác nhau. Với tôi, sự tái sinh còn là nỗ lực vượt qua những nỗi sợ, vượt qua chính những định kiến đã kiến tạo nên tôi ở quá khứ, để hướng tới một tâm trí khác của tương lai. 

 

Qua những biến cố đã xảy ra, tôi đón nhận ý niệm của sự tái sinh như một cơ hội để lược bỏ lại những gì dư thừa, những gì đã vô tình gắn với bản thân trong quá trình sinh trưởng, để tìm ra mục đích mới của cuộc sống. Và không gian Tân Niết Bàn này, như một sự chia sẻ của tôi về hành trình của mình trong việc tìm kiếm sự Tái Sinh.


Thực hiện: Minh Liên


Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page