top of page

Tìm hiểu về hội họa hiện đại qua bài tiểu luận nổi tiếng của Clement Greenberg (P.1)

Vincent Van Gogh, Starring night, 1889

Chủ nghĩa hiện đại bao gồm nhiều thứ hơn là nghệ thuật và văn chương, nó bao trùm gần như toàn bộ những gì thực sự tồn tại trong văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, nó có vẻ rất mới lạ về mặt lịch sử. Nền văn minh phương Tây không phải là nền văn minh đầu tiên quay lại và đặt câu hỏi về nền tảng của chính mình, nhưng có lẽ nó là nền văn minh đã tiến xa nhất trong việc làm như vậy. Tôi đồng nhất chủ nghĩa hiện đại với sự gia tăng, gần như trầm trọng hơn, của xu hướng tự phê phán bắt đầu từ Immanuel Kant. Bởi vì ông là người đầu tiên chỉ trích bản thân các phương tiện phê phán, nên tôi muốn xem Kant là người theo chủ nghĩa hiện đại đầu tiên.


Theo tôi, bản chất của chủ nghĩa hiện đại nằm ở việc sử dụng các phương pháp đặc trưng của một thể loại để phê phán chính thể loại ấy, không phải để lật đổ nó mà để củng cố nó vững chắc hơn trong chính năng lực của nó. Kant đã sử dụng logic để thiết lập các giới hạn của logic, và trong khi ông rút bỏ phần lớn thẩm quyền cũ của nó, logic lại càng được đảm bảo hơn với những gì còn lại.


Sự tự phê phán của chủ nghĩa hiện đại không giống như sự phê phán của thời kỳ Khai sáng. Thời kỳ Khai sáng phê phán từ bên ngoài, theo cách thức được chấp nhận; chủ nghĩa hiện đại phê phán từ bên trong, thông qua các quy chuẩn của chính điều đang bị phê phán. Kiểu phê phán mới này lẽ ra phải xuất hiện đầu tiên trong triết học, vốn mang tính phê phán theo định nghĩa, nhưng sau thế kỷ 18, nó đã xâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác. Một sự biện minh hợp lý hơn đã được yêu cầu đối với mọi hoạt động xã hội, và sự tự phê phán của Kant, vốn nảy sinh trong triết học để đáp lại yêu cầu này ngay từ đầu, cuối cùng đã được kêu gọi đáp ứng và giải thích trong các lĩnh vực bên ngoài triết học.


Chúng ta biết điều gì đã xảy ra với một hoạt động như tôn giáo, một hoạt động không thể tận dụng sự phê phán nội tại của Kant để tự biện minh. Thoạt nhìn, nghệ thuật có vẻ cũng ở trong tình trạng giống như tôn giáo. Bị thời kỳ Khai sáng từ chối mọi nhiệm vụ mà nó có thể thực hiện một cách nghiêm túc, nghệ thuật như thể sắp hòa nhập với những trò giải trí thuần túy và đơn giản, và bản thân trò giải trí có vẻ như sắp hòa nhập, giống như tôn giáo, với các phương cách trị liệu. Nghệ thuật chỉ có thể tự cứu mình khỏi sự xuống cấp này bằng cách chứng minh rằng loại trải nghiệm mà nó đưa ra có giá trị riêng và không thể thấy ở bất kỳ loại hoạt động nào khác.

Claude Monet, Impression, sunrise, 1872

Hóa ra, mỗi loại hình nghệ thuật đều phải tự mình thực hiện việc này. Những gì được đưa ra không chỉ là những gì độc đáo và tối giản trong nghệ thuật nói chung, mà còn là những gì độc đáo và tối giản trong từng loại hình nghệ thuật cụ thể. Thông qua các hoạt động và sản phẩm riêng, mỗi loại hình nghệ thuật phải xác định những đặc trưng của mình. Làm như vậy nó sẽ thu hẹp phạm vi tác động, nhưng đồng thời sẽ làm cho việc sở hữu những đặc trưng ấy vững chắc hơn.


Người ta nhanh chóng nhận ra rằng năng lực phù hợp và độc đáo của mỗi loại hình nghệ thuật trùng khít với những gì độc đáo trong phương tiện hoạt động của nó. Nhiệm vụ của việc tự phê phán là loại bỏ khỏi hoạt động cụ thể của mỗi loại hình nghệ thuật bất kỳ cung cách nào có thể vay mượn hoặc thông qua phương tiện của loại hình nghệ thuật khác. Như vậy, mỗi loại hình nghệ thuật sẽ trở nên “thuần khiết” và trong sự “thuần khiết”, sẽ tìm thấy sự đảm bảo cho các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như tính độc lập. “Thuần khiết” có nghĩa là tự xác định, và tự phê phán trong nghệ thuật sẽ trở thành tự xác định ở mức cao nhất.


Nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên đã tách rời với phương tiện của chính nó, dùng nghệ thuật để che giấu nghệ thuật; còn chủ nghĩa hiện đại dùng nghệ thuật để thu hút sự chú ý đến bản thân nghệ thuật. Những hạn chế của phương tiện - bề mặt phẳng, hình dạng của khung tranh, tính chất của màu vẽ - đã được các bậc thầy của nghệ thuật hội hoạ xưa coi là những yếu tố tiêu cực chỉ có thể được thừa nhận ngầm hoặc gián tiếp. Với chủ nghĩa hiện đại, những hạn chế này lại được coi là những yếu tố tích cực và được thừa nhận một cách công nhiên. Tác phẩm của Manet đã trở thành những bức tranh theo chủ nghĩa hiện đại đầu tiên do sự thẳng thắn khi thể hiện bề mặt phẳng mà chúng được vẽ lên đó. Những người theo trường phái ấn tượng, theo sau Manet, đã từ bỏ lớp sơn nền và lớp sơn phủ bóng, để người xem không còn nghi ngờ gì về thực tế rằng màu sắc mà họ sử dụng là sơn lấy thẳng từ các ống sơn. Cézanne đã hy sinh tính như thực hoặc tính chính xác để các đường nét và hình dạng của bức tranh phù hợp một cách rõ ràng hơn với hình chữ nhật của khung tranh.

Edward Munch, The Scream, 1893

Tuy nhiên, việc nhấn mạnh đến độ phẳng tất yếu của mặt tranh là điều cơ bản nhất đối với quá trình sáng tác mà nghệ thuật hội hoạ dùng để tự phê phán và tự xác định theo chủ nghĩa hiện đại. Bởi vì chỉ có tính chất phẳng là đặc trưng và độc quyền của hội hoạ. Hình dạng khung bao quanh bức tranh là điều kiện giới hạn hoặc quy tắc thì hội hoạ cũng giống như nghệ thuật sân khấu; màu sắc là một quy tắc khác và là phương tiện thì không chỉ giống với sân khấu mà còn với cả điêu khắc. Bởi vì mặt phẳng là thứ duy nhất mà hội họa không chia sẻ với các loại hình nghệ thuật khác, nên hội họa theo chủ nghĩa hiện đại tự định hướng đến tính chất phẳng mà không làm như vậy với bất cứ tính chất nào.


Các bậc thầy thời xưa cũng đã cảm nhận được việc phải bảo toàn cái được gọi là tính toàn vẹn của mặt phẳng hình ảnh: nghĩa là phải thể hiện sự hiện diện bền bỉ của tính chất phẳng ngay trong ảo giác sinh động nhất về không gian ba chiều. Chính mâu thuẫn rõ ràng này là điều cần thiết cho sự thành công của họ, vì nó thực sự cũng là thành công của tất cả các tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Những người theo chủ nghĩa hiện đại đã không tránh né cũng như không giải quyết mâu thuẫn này mà đúng hơn, họ đã đảo ngược các điều kiện của nó. Người xem biết về tính chất phẳng của bức tranh trước, sau đó mới biết mặt phẳng ấy thể hiện những gì. Trong khi trước đây người xem có xu hướng thấy những gì mà một bậc thầy thời xưa thể hiện trước khi thấy chính bức tranh, thì bây giờ người xem thấy tác phẩm của chủ nghĩa hiện đại trước tiên là một bức tranh. Tất nhiên, đây là cách tốt nhất để thưởng thức bất kỳ bức tranh nào, tranh của các bậc thầy thời xưa hay tranh của chủ nghĩa hiện đại, nhưng chủ nghĩa hiện đại áp đặt nó như là phương cách duy nhất và thiết yếu, và thành công của chủ nghĩa hiện đại khi làm như vậy là thành công của sự tự phê phán.

Salvador Dalí, Persistence of Memory, 1931

Hội họa hiện đại trong giai đoạn gần đây nhất vẫn không từ bỏ việc thể hiện các vật thể dễ nhận biết. Về nguyên tắc, những gì nó từ bỏ là việc thể hiện không gian dung chứa các vật thể ấy. Sự thể hiện tính trừu tượng, hay tính phi biểu hình, bản thân nó vẫn chưa được chứng minh là một bước ngoặt thiết yếu trong quá trình tự phê phán của hội họa, mặc dù các nghệ sĩ lỗi lạc như Kandinsky và Mondrian đã nghĩ như vậy. Sự trình hiện hay mô phỏng không mang đến tính độc đáo của nghệ thuật tạo hình; mà phải là sự liên kết của những gì được trình hiện. Tất cả các thực thể có thể nhận biết (kể cả bản thân bức tranh) đều tồn tại trong không gian ba chiều, và gợi ý đơn giản nhất về một thực thể có thể nhận biết cũng đủ để gợi lên những liên tưởng về không gian dung chứa chúng. Bóng dáng vụn vỡ của một khuôn mặt, hoặc của một tách trà, cũng gợi lên những liên tưởng về không gian ba chiều, và như vậy sẽ khiến bức tranh rời xa tính chất mặt phẳng hai chiều vốn đảm bảo cho sự độc lập của hội họa với tư cách một loại hình nghệ thuật. Vì, như chúng ta đã biết, không gian ba chiều là lĩnh vực của điêu khắc. Để đạt được sự tự trị, hội họa trước hết phải loại bỏ những gì mà nó có chung với điêu khắc, và chính nỗ lực ấy của nó - tôi nhắc lại cũng không thừa – để loại trừ tính trình hiện hoặc tính văn chương, hội họa đã tự làm cho mình trở nên trừu tượng.


Tuy nhiên, đồng thời, hội họa theo chủ nghĩa hiện đại cho thấy, chính từ sự đề kháng với nghệ thuật điêu khắc, nó vẫn gắn bó chặt chẽ với truyền thống bất kể vẻ ngoài có vẻ ngược lại. Vì sự đề kháng của hội hoạ với nghệ thuật điêu khắc đã có từ rất lâu trước khi chủ nghĩa hiện đại ra đời. Hội họa phương Tây, trong phạm vi chủ nghĩa tự nhiên, có mối liên hệ rất lớn với điêu khắc vốn mang lại cho nó cách dựng mô hình và cách đổ bóng để tạo ra ảo giác về hình nổi, thậm chí cả cách xử lý ảo giác đó để có cảm nhận về chiều sâu không gian. Tuy nhiên, một số kỳ công lớn lao nhất của hội họa phương Tây lại là nỗ lực mà nó đã thực hiện trong bốn thế kỷ để loại bỏ tính điêu khắc. Bắt đầu ở Venice vào thế kỷ 16 và tiếp tục ở Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan vào thế kỷ 17, nỗ lực đó ban đầu được thực hiện nhân danh màu sắc. Khi David, vào thế kỷ 18, cố gắng hồi sinh hội họa mang tính điêu khắc, một phần là để cứu hội họa khỏi tính trang trí mà dường như việc nhấn mạnh vào màu sắc gây ra. Tuy nhiên, sức mạnh của những bức tranh đẹp nhất của David, chủ yếu là những tác phẩm ngoài quy chuẩn, nằm ở màu sắc của chúng tương tự như bất kỳ yếu tố nào khác. Và Ingres, học trò trung thành của David, mặc dù chú trọng màu sắc nhất quán hơn nhiều so với David, đã thực hiện những bức chân dung tinh tế thuộc loại những bức tranh phẳng nhất, ít tính điêu khắc nhất trong hội hoạ phương Tây kể từ thế kỷ I4. Như vậy, đến giữa thế kỷ 19, mọi khuynh hướng đầy tham vọng với vô số dị biệt đã hội tụ theo hướng phản điêu khắc.

Jean Metzinger, Paysage coloré aux oiseaux aquatiques, 1907

Chủ nghĩa hiện đại, tiếp tục hướng đi này, đã khiến nó có ý thức hơn về bản thân. Với Manet và những người theo trường phái ấn tượng, câu hỏi không còn là màu sắc trong tương quan với hình hoạ, mà là một trải nghiệm thị giác thuần túy đối lập với những trải nghiệm thị giác được chỉnh sửa hoặc biến đổi bởi các liên tưởng xúc giác. Chính nhân danh trải nghiệm thị giác thuần túy và theo nghĩa đen, chứ không phải nhân danh màu sắc, mà những người theo trường phái ấn tượng đã thực hiện việc phá bỏ cách vẽ đổ bóng và dựng mô hình cũng như nhiều thứ khác trong hội họa mang tính điêu khắc. Một lần nữa, nhân danh tính điêu khắc, với cách vẽ đổ bóng và dựng mô hình, Cézanne và những người theo chủ nghĩa lập thể sau ông đã phản ứng chống lại trường phái ấn tượng, như David đã phản ứng chống lại Fragonard. Nhưng rồi, một cách nghịch lý, giống như phản ứng của David và Ingres ở trạng thái cực điểm dẫn đến một thứ hội họa thậm chí ít tính điêu khắc hơn, cuộc “phản cách mạng” của trường phái lập thể đã kết thúc trong một thứ hội họa phẳng hơn bất cứ thứ gì trong nghệ thuật phương Tây kể từ trước Giotto và Cimabue - thực sự phẳng đến mức hầu như nó khó có thể dung chứa những hình ảnh nhận biết được.


Nguồn: Clement Greenberg, “Modernist Painting”, in “Modern Art and Modernism: A Critical Anthology”, ed. Francis Frascina and Charles Harrison, SAGE Publications, 1982

Dịch giả: Phan Đan

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page