“Thần Vệ Nữ trước gương” - Tác phẩm nghệ thuật không chút e dè của Diego Velázquez
Diego Velázquez là danh hoạ Tây Ban Nha thế kỷ 17. Kiệt tác “Las meninas” của Velázquez có ảnh hưởng rất lớn tới nhiều thế hệ hoạ sĩ sau ông. Nhưng ở đây chúng ta không nói về “Las meninas” mà về một tác phẩm khác của ông. Có một truyền thuyết về lời nguyền đáng sợ xung quanh bức tranh “Rokeby Venus” của Velázquez. “Rokeby Venus” chỉ là biệt danh, nó có tên chính thức là “Thần Vệ Nữ trước gương” (Venus at her mirror). Velázquez vẽ tác phẩm này năm 1649, khi ông bước sang tuổi 50, đã có một sự nghiệp lẫy lừng với tư cách là họa sĩ cung đình hàng đầu của vương triều Tây Ban Nha.
Danh họa Diego Velázquez (1599 - 1660)
“Rokeby Venus” có vị trí khá đặc biệt bởi vì đây là bức tranh khỏa thân duy nhất của danh hoạ. Một cô gái tóc nâu gợi cảm đang nằm dài trên giường, xung quanh là những tấm vải lụa màu đỏ, trắng và xám, có cả màu tím nhưng đã phai theo thời gian. Các nếp gấp của tấm trải giường phản chiếu hình dáng cơ thể của nữ thần và được thể hiện để nhấn mạnh những đường cong quyến rũ. Vị trí của tấm gương trong tay thần Cupid khiến khuôn mặt của cô phản chiếu về phía người xem – như thể cô đang chăm chú nhìn người xem: một thủ pháp tinh xảo đã khiến các nhà sử học nghệ thuật tranh cãi suốt thời gian qua, đặc biệt là trong thế kỷ 20. Nhà phê bình Natasha Wallace nói rằng: "Nó không nhằm mục đích miêu tả một phụ nữ cụ thể, thậm chí không phải là một bức chân dung của Venus, không có gì mang tính tâm linh về hình ảnh. Bối cảnh cổ điển chỉ là cái cớ cho việc đề cao vẻ đẹp đi kèm với sự hấp dẫn nữ tính.”
Bức tranh “Rokeby Venus”, 1649, của danh hoạ Diego Velázquez (1599-1660)
Một sự đổi mới của “Rokeby Venus”, khi so sánh với những bức tranh khỏa thân lớn khác, là Velázquez miêu tả Venus quay lưng lại với người xem. Đã có tiền lệ về cách thể hiện này trong bức tượng Borghese Hermaphrodite, một bản sao La Mã từ một bản gốc Hy Lạp cổ đại, được khai quật năm 1608-1620, hiện ở bảo tàng Louvre. Việc Velázquez miêu tả Venus khỏa thân nằm nghiêng nhìn từ phía sau là điều hiếm thấy trước đó, cùng với sự đơn giản mà Velázquez thể hiện khi vẽ phụ nữ - không có đồ trang sức hay bất kỳ phụ kiện thông thường nào của Venus - đã được lặp lại trong các tác phẩm của Ingres, Manet và Baudry… Édouard Manet chịu ảnh hưởng nhiều của Velázquez, và ở bức “Olympia”, một kiểu diễn giải táo bạo chủ đề này cho thấy rõ ràng di sản của “Rokeby Venus” khi Manet thể hiện một phụ nữ hiện thực chứ không phải một nữ thần, đã gây sốc cho giới nghệ thuật Paris khi được trưng bày năm 1863.
Sự hấp dẫn xung quanh bức tranh của Velázquez không chỉ ở vẻ đẹp của người mẫu mà còn là câu chuyện về lời nguyền “Rokeby Venus”. Trong hơn một trăm năm, bức tranh đã được truyền qua nhiều gia đình quý tộc Tây Ban Nha, đáng chú ý nhất là câu chuyện bi thảm của nữ công tước Alba, một trong những người phụ nữ quyền lực nhất Tây Ban Nha cuối thế kỷ 18, chỉ sau Nữ hoàng. “Rokeby Venus” là một phần tài sản của nữ công tước, và khi bà qua đời năm 1802 ở tuổi 40 trong hoàn cảnh bí ẩn, người ta đồn rằng việc hàng ngày nhìn ngắm nàng Venus tuyệt đẹp còn mình thì đã bước vào tuổi trung niên và cảm thấy nhan sắc được ca ngợi của mình đang mờ dần khiến bà phát điên, một số người nói rằng bà đã tự tử.
Vào đầu những năm 1800, bức tranh lưu lạc đến Anh, John Morritt, một chính khách, đã mua với giá 500 bảng Anh (35.000 bảng Anh vào năm 2024) để trang hoàng dinh thự Rokeby Park - do đó nó có biệt danh “Rokeby Venus”. Bức tranh ở dinh thự của Morrist khoảng 30 năm đến khi được Phòng trưng bày Quốc gia mua lại với giá 8.000 bảng Anh (920.000 bảng Anh vào năm 2024) từ nguồn tài trợ của vua Anh Edward VII, người rất hâm mộ bức tranh. Từ năm 1906, nó được trưng bày trong Phòng trưng bày Quốc gia London và trở nên nổi tiếng toàn cầu thông qua các bản sao. Có vẻ lời nguyền “Rokeby Venus” đã bị lãng quên.
Bức tranh của Velázquez từng bị bạo hành như thế nào?
Câu chuyện về bức tranh của Balthus khiến tôi nhớ lại câu chuyện về một kiệt tác của Velázquez từng bị một nhà đấu tranh nữ quyền chém bảy nhát dao tại Phòng trưng bày Quốc gia London.
Nhưng rồi một một vụ scandal đã đưa lời nguyền trở lại câu chuyện. Ngày 10/3/1914, một phụ nữ là Mary Richardson đã lẻn qua cửa phòng trưng bày với một con dao chặt thịt giấu trong áo. Khi đối mặt với “Rokeby Venus”, cô ta rút dao ra và chỉ trong vài giây, đã chém bức tranh bảy nhát, làm tổn thương phần lưng và vai của Venus. Sau khi bị bắt, cô ta giải thích hành động của mình: “Tôi cố gắng phá hủy hình ảnh người phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử thần thoại để đòi lại công lý cho tất cả phụ nữ… Việc làm này là lời kêu gọi chống lại thói đạo đức giả về nghệ thuật cũng như về chính trị.” Theo biên bản, Mary Richardson đã tấn công bức tranh vì tức giận trước việc một phụ nữ khác theo chủ nghĩa nữ quyền cực đoan vừa bị bắt và để thu hút sự chú ý đến hoàn cảnh khó khăn của phụ nữ Anh đầu thế kỷ 20. Nhưng cuối cùng, Richardson đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn năm 1952 rằng có một lý do khác khiến cô ta đổ cơn giận dữ vào “Rokeby Venus” là vì ghét “cung cách những người đàn ông đến đây cứ há hốc mồm nhìn nó suốt ngày.”
Phải chăng nàng Venus Rokeby với tấm lưng ong quyến rũ tố cáo thói hiếu sắc của đàn ông? Một số người thắc mắc: Phải chăng Richardson bị mê hoặc bởi bức tranh đến mức phát điên và tấn công nó? May mắn là nó đã được chuyên gia phục chế của Phòng trưng bày Quốc gia sửa chữa để trở lại nguyên trạng. Mary Richardson bị kết án 6 tháng tù, mức án tối đa cho tội danh phá hủy một tác phẩm nghệ thuật.
Bức tranh còn bị tấn công lần nữa vào ngày 6/11/2023 khi hai nhà hoạt động xã hội dùng búa đập vỡ lớp kính bảo vệ của nó. Vậy điều gì thực sự tạo nên dư luận về lời nguyền khi người ta nói đến một tác phẩm nghệ thuật? Có vẻ như mối liên hệ của “Rokeby Venus” với những bi kịch nào đó chỉ là một câu chuyện được thêu dệt để khiến những ai có may mắn chiêm ngưỡng tác phẩm tại National Gallery Anh quốc nấn ná thêm ít phút, suy nghĩ về những gì mà ánh mắt của nàng Venus Rokeby đã quan sát trong 375 năm qua…
Một vài thông tin về các vụ phá hoại tác phẩm nghệ thuật khác:
Ngày 14/10/2022, cảnh sát London đã bắt giữ hai thành viên trong nhóm hoạt động môi trường Just Stop Oil sau khi họ tạt xúp cà chua lên bức tranh “Hoa hướng dương” của danh họa Van Gogh và dán mình vào tường tại National Gallery London. Bảo tàng nghệ thuật Anh cho biết vụ việc làm "hỏng khung tranh nhưng bức tranh không bị hư hại”. Cảnh sát đã phải gỡ họ ra khỏi tường và đưa về đồn.
Kiệt tác “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci treo trong Bảo tàng Louvre thu hút hàng triệu du khách đến chiêm ngưỡng nhưng luôn bị phá hoại và trộm cắp. Bức tranh từng bị đánh cắp năm 1911. Phần dưới của bức tranh bị axit hủy hoại vào những năm 1950, khiến bảo tàng phải tăng cường các biện pháp bảo vệ, bao gồm cả kính chống đạn. Năm 2009, một phụ nữ ném chiếc cốc gốm vào bức tranh, làm vỡ chiếc cốc nhưng bức tranh không bị hư hại. Năm 2022, một du khách đã bôi kem lên tấm kính bảo vệ bức tranh. Mới đây, ngày Chủ nhật 28/1/2024, hai nhà hoạt động của phong trào môi trường Riposte Alimentaire đã tạt xúp bí đỏ lên tấm kính bao bọc “Mona Lisa”.
(Theo Jennifer Dasal – ArtCurious)
Bài: Nhà thơ - nhà nghiên cứu Phan Đan
Comments