top of page
Ảnh của tác giảLý Đợi

Sự trầm tư, sự ràng buộc và sự tìm kiếm lối thoát của Phạm Vũ Hồng Hưng


Tranh thời Covid-19 của Phạm Vũ Hồng Hưng đã chọn cách trực tiếp nhìn vào những thương tổn, mất mát.


Cơn khát của kẻ yếu đuối


Sinh năm 1984 ra tại Quảng Ngãi. Học Cao đẳng VHNT Đà Nẵng trước khi học hội họa tại Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế. Hiện Phạm Vũ Hồng Hưng sống tại Huế. Từ những triển lãm nhóm cách đây chừng 10 năm, họa sĩ đã cho thấy anh là một tác giả thích sự suy tư, sự dằn vặt…, có tứ, có ý mới vẽ.


Kẻ nổi loạn


Thung lũng nước mắt


Lạc lối


Gây ấn tượng từ Triển lãm mỹ thuật trẻ Thừa Thiên - Huế lần 1 năm 2016 tại New Space Arts Foundation, sau đó Hồng Hưng mở lối mạnh bằng các bức tranh tương phản sáng tối, pha trộn cái nhìn biểu hiệu (expressionism) với hiện thực huyền ảo (magic realism), và cả một chút hiện sinh (existentialism).


Như một bức tranh có tên là “Những kẻ bị bỏ rơi”, trong thời Covid-19, nếu bị đại dịch bỏ rơi là một phúc phần. Nhưng con người đâu chỉ có sống với đại dịch, mà còn sống với sự tù túng, cô độc, ràng buộc, tổn thương, vô định… Hồng Hưng đưa các điều này vào tranh, để từ đó tìm kiếm một sự vẫy vùng, một lối thoát.


Những kẻ bị bỏ rơi


Trong các trạng huống làm người đó, người xem thấy chủ thể của tác phẩm như căng giữa sống và chết, Đông và Tây, xưa cũ và hiện đại, nhân văn và quái vật, đau ốm và khỏe mạnh, thăng hoa và chán chường, biểu tượng và tha hóa…


Hồng Hưng vẫn bán tranh lai rai, ấy là một tín hiệu vui, cho tác giả thì ít, mà cho thị trường thì nhiều hơn, cần thiết hơn. Bởi những người thích dòng tranh như của Hồng Hưng chưa bao giờ là số nhiều, ở đâu, thời nào cũng vậy. Họ cần sự độc lập và mạnh mẽ nhất định để vượt qua nhu cầu mua tranh trang trí thường thấy, để tiệm cận những bức tranh có thể khiến họ suy tư, băn khoăn, chia sẻ.


Hoài nghi


Dưới tầng mây


Thần tượng


Về phía Hồng Hưng, đây là chất liệu tưởng chừng như thênh thang, nhưng thật ra rất thách thức và hẹp lối. Với sự kiên định như gần 10 năm qua, có thể Hồng Hưng sẽ đẩy rộng được cánh cửa mà bản thân đã hé mở, để vẽ thong dong hơn, sảng khoái hơn.

Quảng Ngãi từng có các họa sĩ thành danh khi xa quê như Đường Ngọc Cảnh (1925-2001), Nguyễn Thế Vinh (1926-1997), Phạm Cung (1936-2020), Nghiêu Đề (1939-1998), Trần Văn Bình (1955-2016)…. Hy vọng thế hệ sau này như Phạm Vũ Hồng Hưng, Đoàn Quốc… cũng sẽ sớm vẽ nên nhân diện của mình ở nơi đất khách.



Bài: Lý Đợi - Art Columnist

Comentários


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page