top of page
Ảnh của tác giảNavigator Media

Sốngplatform ra mắt tại Huế với tham vọng tạo nên một tổ hợp dịch vụ độc đáo

Doanh nhân Dương Đỗ thường được nhắc đến là người xây dựng thành công thương hiệu Toong – là không gian làm việc chung có mặt trên cả nước. Mới đây, anh lại sáng lập thương hiệu Sốngplatform tại Huế. Vậy 2 thương hiệu này có mối tương quan thế nào? Sau đây là một vài chia sẻ nhằm giúp độc giả hiểu hơn về câu chuyện của Sốngplatform.



Khi Toong ra mắt địa điểm co-working space đầu tiên vào tháng 8/2015 tại Tràng Thi, Hà Nội, không ít người đã cảm thấy hoài nghi về một không gian làm việc chung cho nhiều ngành nghề khác nhau, lại còn có không gian hội họp, triển lãm, cà phê, cây cỏ và các tác phẩm nghệ thuật. Một số người đinh ninh rằng mô hình này sẽ đóng cửa trong vòng ba đến sáu tháng. Thế nhưng đến nay, Toong đã phát triển thành 20 địa điểm co-working space Toong tại Huế, TP.HCM, Hà Nội và thủ đô Vientiane (Lào).


Không chỉ giúp tiết kiệm khoảng 65% chi phí so với văn phòng truyền thống, Toong còn mang đến giải pháp linh hoạt tối đa về thời gian, không gian làm việc, tiện lợi và phù hợp với tính chất công việc. Khách hàng có thể tăng, giảm quy mô theo nhu cầu phát triển của doanh nghiệp mà không quá khó khăn như đối với việc đi thuê và đầu tư một văn phòng truyền thống. Ngoài ra, Toong còn được đánh giá là không gian làm việc truyền cảm hứng mà nhân sự trẻ cảm thấy yêu thích. Mỗi địa điểm của Toong mang một màu sắc khác biệt về thẩm mỹ, văn hóa mà ở đó, các yếu tố truyền thống luôn được đan xen, kết nối với hiện đại. Giá trị mà nó tạo ra là mang đến một không gian làm việc hiện đại, phù hợp với phong cách làm việc năng động của các bạn trẻ.


Sự thành công của Toong đã tác động không nhỏ trong việc thay đổi suy nghĩ của mọi người về một không gian làm việc. Đối với người dân sống tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn khác, Toong giúp họ làm quen với một một môi trường làm việc truyền cảm hứng. Ở đó không chỉ có máy móc và tiện nghi mà còn có thiên nhiên, âm nhạc, mùi hương và đa dạng các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Bởi văn phòng không chỉ là nơi làm việc mà còn nên là nơi chúng ta sống, giao tiếp, học hỏi và cho chúng ta thật nhiều cảm xúc mỗi ngày. Đối với giới đầu tư, kinh doanh bất động sản, họ không còn nghĩ rằng co-working space chỉ phục vụ các startup trong ngành công nghệ, bởi Toong đang là văn phòng làm việc của không ít doanh nghiệp bền vững, trong đó có cả những thương hiệu nổi tiếng thế giới.


Ở mỗi địa điểm trạm, Toong đều dành không gian để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, từ tranh, ảnh đến tác phẩm điêu khắc… cũng như đưa các yếu tố văn hóa vào môi trường văn phòng. Qua đó, mỗi người sẽ có cơ hội chứng kiến nhiều hơn vẻ đẹp của cuộc sống xung quanh. Để bất cứ ai bi quan về một thế giới còn nhiều mảng tối, họ đều có thể hưởng thụ mảng sáng mang tính thẩm mỹ tại Toong. Đó là cơ hội để mỗi ngày, chúng ta đi làm đều có cơ hội nâng cao thẩm mỹ của bản thân, cũng như ngày càng có niềm tin vào những điều tốt đẹp…


Toong đã có vai trò tạo “bầu không khí văn hóa thẩm mỹ” trong môi trường làm việc, vậy còn những mảng khác như: giải trí, mua sắm, hưởng thụ, thưởng lãm nghệ thuật… thì sao? Và Sốngplatform ra đời để trả lời cho câu hỏi này.



Sốngplatform là một tổ hợp sáng tạo, được quy hoạch nhằm cung cấp các dịch vụ thỏa mãn nhu cầu: học hỏi, ăn uống, giải trí, thưởng lãm nghệ thuật, và mua sắm… hướng đến đề cao văn hóa bản địa mà vẫn phù hợp với cuộc sống thời thượng. Trong tương lai, tổ hợp sẽ còn đáp ứng cả nhu cầu lưu trú, khi mà khối khách sạn boutique được hoàn thiện.


Tiêu chí đề cao văn hóa được thể hiện ở việc tuyển lựa các doanh nghiệp đối tác kinh doanh tại Sốngplatform phải ưu tiên nguồn nguyên liệu địa phương, phát triển theo tiêu chí bền vững… Sốngplatform ra đời ở Huế và sẽ phát triển ra các thành phố lớn trên cả nước trong năm 2023.



Sốngplatform tại Huế đang dần hoàn thiện những hạng mục đầu tiên. Trong đó có không gian art digital museum dành riêng cho trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số nhập vai quy mô lớn (hơn 1.000m2) mang tên Sốnglab.



Sốnglab được xây dựng dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ - nghệ thuật - giải trí và giáo dục, nhằm mang tới cho khách tham quan những trải nghiệm độc đáo, đồng thời giúp du khách có cái nhìn sinh động hơn về những nét đẹp trong văn hóa đời sống tại Huế. Tùng Monkey đã làm việc với các nghệ sĩ thị giác tài năng như: Dustin Ngô, Cường Nguyễn, Julian Tuấn, Viễn Lê, Ngọc Quý, Travis Cohantz… để cùng nhau kể những câu chuyện thú vị tại Sốnglab, người thì kể câu chuyện về các dạng sống siêu thực qua chất liệu đồ họa trí tuệ nhân tạo, người thì tạo ra những dòng chảy hình ảnh được tạo bởi những con thuyền, đèn hoa đăng. Người thì cố gắng tái diễn ảo ảnh đã nhìn thấy tại Vịnh Lăng Cô. Người xem sẽ trải nghiệm “nhập vai” một cách sống động qua những công nghệ trình chiếu tối tân đến từ đơn vị cung cấp thiết bị trình chiếu 3D mapping hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, và đã thực hiện các dự án tại sân bay Changi, hay vịnh Marina, Singapore. Đây là sự kết hợp lý thú giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, trong đó “chất” Huế đóng vai trò là nguyên liệu mang tính gợi mở, còn câu chuyện sẽ được “kể” bằng ngôn ngữ nghệ thuật đương đại…


Ngoài không gian digital art museum, Sốngplatform còn có không gian triển lãm nghệ thuật, ẩm thực, giải trí, mua sắm chú trọng giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống. Sốngplatform hy vọng có thể tạo ra một nơi có những trải nghiệm tạo tác động vào tâm trí mọi người một cách tích cực. Và hy vọng những điều tích cực nho nhỏ này sẽ lan rộng mỗi ngày, hướng đến một cộng đồng văn minh hơn.


Bài: Navigator Media



Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page