Siêu du thuyền hoàng gia H3 tăng giá gấp 10 lần sau hơn 20 năm hạ thuỷ

H3, siêu du thuyền 105m hiện đang được rao bán với mức giá 308 triệu USD, gấp 10 lần so với mức giá 30 triệu USD sau khi hạ thủy gần 25 năm.
Được đóng theo đơn đặt hàng của gia đình hoàng gia Qatar, hạ thủy và bàn giao cho thủ tướng Qatar lúc bấy giờ là Jassim bin Jaber Al Thani vào năm 2000 dưới cái tên Al Mirqab. Với chiều dài 95m cùng bộ 3 động cơ 10.000 HP, giúp “H3” không chỉ là một trong những du thuyền lớn nhất thế giới vào thời điểm đó mà còn là một trong những siêu du thuyền nhanh nhất trong phân khúc cùng kích thước với tốc độ tối đa lên đến 25 hải lý/giờ. Để dễ tưởng tượng độ ấn tượng với kích thước đó + tốc độ đó thì việc một chiếc tàu 95m chạy 25knot trên sông Sài Gòn có thể tạo ra một con sóng cao từ 2 đến 3 mét, đủ để đánh lật những chiếc thuyền đang neo đậu dọc sông.

Vào 2006, Al Mirqab (hay H3) được bán lại cho tỷ phú người Ấn Độ Vijay Vittal Mallya, doanh nhân và Co-owner của đội đua Force India F1 Team, tiền thân của Racing Point F1 và sau đó là Aston Martin F1 Team bây giờ. Al Mirqab sau đó được đổi tên thành Indian Empress.
Đáng tiếc thay, bê bối tài chính vào năm 2018 đã khiến toàn bộ tài sản của Vijay Mallya bị niêm phong để thế chấp các khoản vay lên đến hàng tỷ USD của mình, trong đó bao gồm “Nữ Hoàng Ấn Độ” khi chiếc siêu du thuyền đang neo đậu tại Valletta, Malta.
Indian Empress được đấu giá lần đầu vào tháng 6/2018 bởi tòa án Malta với giá tiền cuối cùng là 43,5 triệu USD thuộc về một công ty du thuyền địa phương đại diện cho khách hàng giấu tên người Iran, sau đó bị...sủi kèo (nghe cũng giống giống cái du thuyền nào đấy ở Việt Nam). Thế là tòa án Malta lại quyết định tổ chức một phiên đấu giá thứ 2, lần này phiên đấu giá đã không diễn ra do tòa án đã chấp nhận một đề nghị riêng mua lại Indian Empress trước 1 ngày với giá 35 triệu USD do Sea Beauty Yachting Limited đưa ra thay mặt cho gia đình Hoàng gia Ả Rập. Chiếc du thuyền sau đó được đổi tên thành “NEOM” – trùng tên với thành phố và đồng thời là công ty của gia đình Hoàng gia Ả Rập đang phát triển tổ hợp Yacht Club và Resort Sindalah tại vùng biển Địa Trung Hải.

Không lâu sau, chiếc du thuyền một lần nữa được sang tay đổi chủ cho tỷ phú người Ả Rập Waleed bin Ibrahim Al Ibrahim và được đổi tên lại thành H3 – theo tên vợ của ông là Hana. Và câu chuyện bắt đầu thú vị từ đây khi Waleed B. Ibrahim quyết định đưa chiếc siêu du thuyền trở về Oceanco để refit lại sau hơn 20 năm hoạt động dưới tên gọi project 105H.
Lúc bấy giờ, chủ tịch Oceanco cùng một cộng sự kinh doanh đã nhìn ra tiềm năng cùng một góc nhìn và ý tưởng mới cho project 105H – thay vì chỉ refit, tại sao không rebuild lại một chiếc du thuyền 20 năm tuổi để đạt tiêu chuẩn phát thải IMO Tier III nghiêm ngặt hiện nay? Kể từ đây, H3 đã chính thức chuyển từ một dự án tân trang thành một dự án xây dựng lại toàn diện.

Do được đóng bởi chính Oceanco vào ban đầu, giúp cho việc rebuild lại H3 có một lợi thế độc đáo nhờ vào việc tiếp cận được một lượng lớn thông số chi tiết, bản vẽ kỹ thuật và cấu hình từ nhà máy. Toàn bộ gói kỹ thuật được thiết kế lại, cấu trúc thượng tầng mới cùng ngoại thất và nội thất được thổi vào một luồng sinh khí mới bởi Reymond Langton Design – studio thiết kế siêu du thuyền nổi tiếng với các mẫu superyacht như Aviva của ông chủ Tottenham, Kismet (nay là Whisper), Lady Lara, Elysian,...
Với mục tiêu đặt ra là đạt tiêu chuẩn IMO Tier III, kết hợp cùng việc phân tích cách các chủ sở hữu sử dụng du thuyền đem đến một sự thật là hầu hết chủ tàu không cần tới tốc độ tối đa quá nhanh trên một chiếc siêu du thuyền, tốc độ hành trình hay cruise speed được ưu tiên nhờ sự êm ái và thoải mái cùng tính tiết kiệm nhiên liệu. Bộ ba động cơ với tổng công suất 30.000 HP được loại bỏ, thay thế bằng hai động cơ MTU 4000 Series với các công nghệ hiện đại mang đến tốc độ tối đa vẫn khá ấn tượng đạt đến 18 hải lý/giờ, cùng tầm hoạt động lên đến 6500 nautical miles ở tốc độ hành trình 14 hải lý/giờ. Ngoài việc giảm công suất động cơ, tính bền vững trên H3 cũng được tăng thêm đáng kể nhờ việc trang bị hệ thống lọc khí thải cho tất cả ống xả của máy chính, máy phát để giảm đáng kể lượng carbon phát thải.

Trên tinh thần rebuild thế nên phần quan trọng nhất, đóng vai trò xương cốt là thân tàu của H3 vẫn được giữ nguyên, trong đó 2m được thêm vào phần boong trước và 8m được thêm vào phần boong sau giúp tăng chiều dài tổng thể của H3 lên đến 105m. Trong khi 2m chiều dài ở boong trước giúp H3 trang bị một khu vực bệ đáp trực thăng “touch & go”, các hình dáng đuôi tàu khác nhau cũng được nghiên cứu để tối ưu hóa hiệu quả thủy động lực học cho H3, kết quả ngoài việc cải thiện hiệu suất còn đem đến một khu vực beach club rộng rãi cho các hoạt động dưới nước như jetski, e-foil, sea bob,... Ngoài ra, một bể bơi dài 7m cũng được trang bị tại phía sau boong chính với cơ chế đặt biệt nằm ở phần sàn có có thể hạ xuống để điều chỉnh độ sâu của hồ hoặc nâng lên tạo thành một mặt phẳng sàn rộng rãi cho các hoạt động ngoài trời.
Với toàn bộ cấu trúc thượng tầng được đập đi xây lại, các đường nét thẳng-phẳng và cứng cáp từ 2 thập kỷ trước đã được thay thế bằng các đường cong “rolling wave”, đem đến một diện mạo mới quyến rũ và hiện đại hơn cho H3. Tổng diện tích cửa sổ ở phần cấu trúc thượng tầng mới cũng tăng từ 220m2 lên 392m2, tạo ra gần như gấp đôi lượng ánh sáng tự nhiên cho không gian trên tàu và tầm nhìn ra phía ngoài.

Các tính năng nổi bật trên cấu trúc thượng tầng mới có thể kể đến khu vực rạp chiếu phim ngoài trời ở ban công công phía sau boong trên, với một màn hình lớn được mở lên từ giường tắm nắng. Lối vào saloon boong chính từ welcome lounge bị thu hẹp lại để nhường không gian hai bên cho hai tender garage, Reymond Langton đã khéo lối biến hóa lối đi tưởng chừng như không thoải mái và điểm trừ ở một chiếc siêu du thuyền size này thành một khu vực ấn tượng nhờ việc trang bị 12,5 triệu pixel led hai bên tường tạo thành hai màn hình cực lớn có thể chiếu bất cứ thứ gì.
Ngoài hai chiếc tender được Compass Tender thiết kế riêng và hai jetski, H3 còn được trang bị thêm hai chiếc inflatable tender nhỏ hơn hai bên boong của chủ sở hữu như một phần của trang thiết bị cứu sinh trên tàu.

Cũng giống như bề ngoài thanh lịch, nội thất trên H3 hướng đến sự nhẹ nhàng, thoáng đãng và ít tương phản. Các chi tiết da sáng màu được lựa chọn kết hợp cùng với các chi tiết kim loại như đồng và niken cùng gỗ sồi sáng và đá cẩm thạch sáng. Phòng Majestic của chủ sở hữu được đặt trên flybridge mang đến toàn bộ không gian ban công riêng cùng một bể sục jazzcuzi ở phía trước. Tiếp đến, các phần kính ở khu vực bàn ăn phía sau boong trên có thể đóng mở tạo thành một khu vực dining area bốn mùa hoặc ngoài trời khi cần. Tất nhiên vẫn không thể thiếu các tiện ích đặc trưng trên siêu du thuyền như phòng gym và spa.
Với việc khối lượng cùng quy mô công việc khổng lồ, H3 trên thực tế đã được Lloyd's Register – một công ty đăng kiểm lớn tại Anh phân loại là một công trình đóng mới. Việc dùng một thân tàu cũ, chuyển sinh lại thành một chiếc tàu mới đã không quá xa lạ với siêu du thuyền thám hiểm, các dự án Exploer Yacht rất ưu thích loại hình này nhờ vào việc thân tàu cũ đã được kiểm nghiệm độ bền và tính hiệu quả khi hoạt động thực tế qua thời gian ở các điều kiện khắc nghiệt, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc nghiên cứu một hình dáng thân tàu mới.

Tuy nhiên, với phân khúc siêu du thuyền hạng sang, ngoài việc là một chiếc “Upcycling yacht” ấn tượng nhất từng được xây dựng, H3 đã mở ra một chương mới cho Oceanco nói chung và ngành siêu du thuyền nói chung khi mà những chiếc siêu du thuyền kiểu “semi-new build” kiểu này không những giúp các tỉ phú mua tàu không chỉ có thể chen ngang vào hàng đợi để mua siêu du thuyền mới mà còn giúp tiết kiệm chi phí và sở hữu du thuyền một cách bền vững hơn, nhanh hơn. So với việc đóng mới thông thường với một chiếc siêu du thuyền cùng quy mô, lượng khí thải carbon liên quan đến sản xuất thép và nhôm đã giảm đến 50%, giúp tiết kiệm khoảng 2.000 tấn carbon, tương đương với 10 ha rừng được trồng mỗi năm trong 20 năm, gần bằng với số tuổi của H3.
Bài: Nam Trần
Comments