top of page

Phía sau vẻ đẹp mỹ lệ trong họa phẩm “Tìm thấy Moses” của Lawrence Alma-Tadema


Hoạ sĩ Lawrence Alma-Tadema (1836-1912) sinh trưởng tại Hà Lan, được đào tạo tại Học viện Hoàng gia Antwerp, Bỉ. Năm 1870, ông chuyển đến London sống hết phần còn lại của cuộc đời ở đây, trở thành một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất và được trả giá cao nhất thời Victoria. Trong suốt những năm 1880 và 1890, ông nhận được nhiều giải thưởng, được vinh danh tại Triển lãm Đại học Paris năm 1889, và Huy chương Vàng vĩ đại tại Triển lãm Quốc tế ở Brussels năm 1897. Ông qua đời năm 1912 ở tuổi 76, được chôn cất trong hầm mộ Nhà thờ St Paul, London.


Trong hơn 60 năm, ông đã vẽ nhiều bức tranh đặc biệt công phu về bối cảnh cổ điển, tái hiện chi tiết thời La Mã cổ đại với những nhân vật tạo dáng trên nền đá cẩm thạch lộng lẫy với trời và biển Địa Trung Hải xanh rực rỡ. Tác phẩm của ông tái hiện phần lớn lối vẽ tinh xảo của các bậc thầy Hà Lan xưa, đặc biệt quan tâm đến độ chính xác của chi tiết, như việc ông sử dụng những bông hoa tươi mang về từ khắp châu Âu và thậm chí cả châu Phi, gấp rút vẽ chúng trước khi héo.


Tác phẩm “Cuộc thảo luận,” năm 1865, của Lawrence Alma-Tadema. Sơn dầu trên bảng vẽ. Bộ sưu tập cá nhân. (Ảnh: Tài sản công)


Tác phẩm của Alma-Tadema thường được liên kết với trường phái tượng trưng châu Âu, đồng thời tạo ảnh hưởng đến Gustav Klimt và Fernand Khnopff, những người đã áp dụng các họa tiết cổ điển và bố cục độc đáo của Alma-Tadema (như cắt đứt đột ngột ở mép canvas). Bức tranh “The tepidarium” được đưa vào cuốn sách năm 2006: “1001 bức tranh bạn phải xem trước khi chết”.


Khi thị hiếu của công chúng chuyển sang chủ nghĩa hiện đại của thế kỷ 20, tên tuổi Alma-Tadema ẩn trong hậu trường nửa thế kỷ. Từ những năm 1960, hội hoạ Alma-Tadema được khám phá lại vì tầm quan trọng lịch sử đối với sự phát triển của nghệ thuật Anh. Bây giờ, ông được coi là một trong những họa sĩ cổ điển chính yếu của thế kỷ 19, người có nhiều tác phẩm thể hiện chính xác một thời đại bị mê hoặc bởi quá khứ được phục hồi qua nghiên cứu khảo cổ học.


Bức tranh “The tepidarium”, 1881, sơn dầu trên canvas, kích thước 24.2 x 33 cm, của Lawrence Alma-Tadema, trưng bày tại Lady Lever Art Gallery thuộc Bảo tàng Quốc gia Liverpool, Vương quốc Anh


Những mô tả rất chi tiết của Alma-Tadema về cuộc sống và kiến trúc La Mã, dựa trên nghiên cứu khảo cổ tỉ mỉ, đã khiến các đạo diễn điện ảnh Hollywood lấy tranh của ông làm hình mẫu cho bối cảnh thời cổ đại, trong các bộ phim như “Intolerance” (1916), “Ben Hur” (1926), và “Cleopatra” (1934). Trong bộ phim sử thi “The Ten Commandments” (1956), Jesse Lasky Jr. đã mô tả cách đạo diễn trải rộng những bản in tranh của Alma-Tadema để hướng dẫn các nhà thiết kế. Bối cảnh của phim “Gladiator” (2000) và “Biên niên sử Narnia” (2005) cũng lấy cảm hứng từ tranh Alma-Tadema.


Bức tranh “Tìm thấy Moses” (The finding of Moses), 1904, của Lawrence Alma-Tadema


“Tìm thấy Moses” (The finding of Moses) là bức tranh sơn dầu trên canvas, vẽ năm 1904, kích thước 136,7 x 213,4 cm, một trong những tác phẩm lớn cuối cùng của Alma-Tadema.


Tác phẩm lấy bối cảnh trong Kinh Thánh, Chương 2 của Sách Xuất hành, mô tả con gái pharaoh đến tắm ở sông Nile và tìm thấy đứa trẻ sơ sinh Moses bị bỏ rơi trong một chiếc thúng giữa đám sậy. Khung cảnh thể hiện sau khi đứa trẻ được phát hiện, đám rước quay trở lại Memphis, kinh đô Vương quốc Cổ Ai Cập. Con gái của pharaoh Ramesses II ngồi trên kiệu trang trí các hình ảnh trong lăng mộ Ai Cập. Hai người hầu nam vẫy chiếc quạt lông đà điểu còn hai người hầu nữ nâng Moses trong chiếc nôi trang trí hoa sen, buộc một dải ruy-băng màu hồng. Một người hầu nữ khác chơi một nhạc cụ dây.


Bức tranh có bố cục giống như một phù điêu với màu xanh lam sáng và màu tím của hoa phi yến (delphiniums) ở tiền cảnh; có không gian cho dòng sông phía sau, ở bên kia sông, có thể thấy các nô lệ đang làm việc trên kim tự tháp Giza. Màu xanh lam của những bông hoa được lặp lại với các hoạ tiết lapis lazuli khảm ở chiếc kiệu tương phản với màu vàng, cam, đỏ và hồng. Phần chân bức tượng đá granit đỏ ở phía trước bên trái, có thể được sao chép từ bức tượng Seti II ở Bảo tàng Anh.


Alma-Tadema vẽ bức tranh này trong hai năm, trưng bày tại triển lãm mùa hè của Học viện Hoàng gia năm 1905. Sau nhiều lần mua đi bán lại, bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York năm 1973. Chủ sở hữu bức tranh, nhà sản xuất chương trình truyền hình Mỹ Allen Funt, đã bán nó tại Sotheby's ở London tháng 11 năm 1973 với giá 72.000 USD. Sau đó, tại Christie's New York tháng 5 năm 1995, nó được bán với giá 2.752.500 USD, trước khi được bán lại tại Sotheby's New York với giá 36 triệu USD vào tháng 11 năm 2010, một kỷ lục đối với bất kỳ nghệ sĩ thời Victoria nào.


Bài: Nhà thơ - nhà nghiên cứu Phan Đan, theo www.sothebys.com

Comentarii


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page