Nina nồng nàn (Kỳ 2) Lời ca man dại thách thức cuộc đời
Xem lại Kỳ 1: Thánh nữ da màu của Jazz
Nina trước khi là Simone, có tên gọi trong khai sinh là Eunice Kathleen Waymon, sinh năm 1933, thời điểm vẫn trong vòng xoáy cao độ của nạn phân biệt chủng tộc. Màu da đã làm cô mất đi ước mơ phần nào nhưng lại nén được mọi đau khổ vào giọng hát.
Giọng hát ấy, lúc nhỏ chưa được cất lên. Âm nhạc trong thế giới của Nina vang lên qua đôi tay, cô muốn trở thành nghệ sỹ dương cầm đắm mình trong thế giới cổ điển. Nhưng cô suýt bỏ học vì nhà hết tiền nhưng ở tuổi lên 6 lúc ấy, một mạnh thường quân nhận ra tài năng của Nina và tài trợ tiền đi học.
Nhưng trả tiền thôi chưa đủ, chẳng có lệ phí nào khi ấy để trả đủ cho cho việc màu da đứng cùng nhau. Năm 10 tuổi, chấn động tâm lý đầu tiên đến với Nina Simone khi cô chứng kiến trực tiếp cảnh bố mẹ cô, khi đi xem con gái biểu diễn tại thư viện tỉnh, đã bị buộc phải rời chỗ đầu để nhường chỗ cho một cặp da trắng. Chấn động khiến cô quyết định nuôi dưỡng ý định đi hát bởi đôi tay của cô bắt đầu bất lực.
Chấn động đầu tiên đó bắt đầu được nối dài với những trải nghiệm bản thân, Nina bị kì thị ở trường, ngoài phố, bị cắt học bổng và sau này vì không chịu nổi sự kỳ thị trong lòng nước Mỹ, Nina Simone đã chuyển sang sinh sống ở châu Âu. Cô chọn Jazz, làn hơi da màu, mảnh đất trĩu nặng tâm tư. Ở Jazz, Nina trở về, không phải lấy lại hồi ức buồn đau mà lấy sinh khí để thể hiện mình. Tiếng hát ấy không ca ngợi cuộc đời, tiếng hát ấy kể cuộc đời với tiếng hát nhân sinh, gói buồn đau dưới làn hơi trầm buốt, khề khà nỗi khổ qua tiếng hát ma mị.
Năm 1954, Nina Simone đi hát nhiều tửu quán tại Atlantic để kiếm tiền đi học. Tiền bạc tạm đủ để nuôi nấng giấc mơ. Mãi đến 4 năm sau, 1958, Nina mới mạnh dạn thu âm thử I Loves You, Porgy, khúc Jazz kinh điển của George Gershwin.
Chỉ là thu âm tặng bạn bè và cũng chỉ vì quá yêu tiếng hát của Billie Holiday mà Nina muốn hát lại xem sao. Vậy mà thành công. Lần đầu tiên người Mỹ được lắng nghe một tiếng hát đượm buồn, trầm khàn nhưng chứa đầy nội lực. Tiếng hát Nina Simone như một sự diệu kỳ mà Thượng đế ban tặng cho nước Mỹ. Năm ấy, ca khúc này lọt vào Top 20 Billboard. Hãng đĩa Bethlehem nhanh chân ký ngay hợp đồng với Nina để biến cô thành một ngôi sao mới.
Cũng năm ấy, album đầu tay của Nina Simone được phát hành với tên gọi Little Girl Blue, ở đó một thế giới mới được diễn tả qua giọng hát Nina Simeone, khát khao, nồng nàn, cháy bỏng và quan trọng là chẳng giống ai trước đó. Ở đó, ca khúc My Baby Just Cares for Me đã đưa Nina Simone lên hàng thánh nữ Jazz, lấm tấm mồ hôi trong giọng hát, vừa nghe như thể sờ soạng được nỗi đau của cô. Nghe Nina như thể nhìn thấy lòng mình trong đáy cốc, tiếng hát Nina như thể hơi men, chếnh choáng và không lụy.
Năm ấy, 1958, album đầu tay của Nina đại thắng. Nhưng người bỏ túi nhiều tiền nhất không phải là cô. Nina đã mất hàng triệu USD tiền bán đĩa chỉ vì đã trót bán toàn bộ bản quyền album cho hãng đĩa với giá… 3.000 USD.
Nhưng Nina cũng chẳng cần phải buồn lâu, album Little Girl Blue đã đưa cô lên đỉnh thế giới. Ở đó, Nina như thể cầm được phương trượng tỏ rõ quyền năng với vương quốc mới hình thành. Ở đó, lợi nhuận không phải là vấn đề, Nina muốn đem tiếng hát để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và người da màu bị phân biệt chủng tộc.
Rất nhiều tuyệt phẩm được ra đời, từ Wild is the wind, To be young cho đến Gifted and black, Ain't got no I've got life, Mississippi Goddam…, Nina đa cảm vẩn vơ trong làn khói thuốc, đôi tay tí tách dương cầm điêu luyện, cất lên những lời ca man dại thách thức cuộc đời. Một biểu tượng đã được xây xong. Giọng hát ấy vẫn quyến rũ, vẫn ngẫu hứng, tinh tế mà vẫn không rớt rụng, không bi thương, nghe xong dường như những cảm hứng sống được bồi đắp, đầy mạnh mẽ.
Nhóm Beatles từng xưng tụng Nina Simone như một nữ hoàng. Chính ca khúc bất hủ của họ, Michelle, trong phần ca từ có đoạn I love you được lấy cảm hứng từ I Put a Spell on You kinh điển của Nina Simone. Một loạt những thế hệ âm nhạc mới xem Nina như một tấm gương, dùng âm nhạc để đấu tranh, lấy âm nhạc để diễn tả thời đại. Một giọng hát như thế, một cuộc đời dấn thân như thế, Nina Simone không bao giờ bị lãng quên.
Tiếng hát ấy mãi mãi chạm vào lòng nhiều thế hệ. Sự khắc khoải trong giọng hát của Nina Simone là một sự khác biệt, như thể viên pha lê mỏng manh dễ vỡ nhưng khi ánh sáng chiếu vào, ánh xạ từ nó làm mềm lòng tất cả, nó hàn gắn những mất mát và xoa dịu những nỗi buồn đau. Nhất là trong những ngày này, khi mà làn khói Black Lives Matter (Quyền sống của người da màu) đang làm nước Mỹ tấy lại nỗi đau ngày cũ.
Xem lại Kỳ 1: Thánh nữ da màu của Jazz
Bài: Kha Anh - Art Columnist
Comments