top of page
Ảnh của tác giảHải Âu

Mùi hương - nơi sâu thẳm nhất của miền ký ức Nostalgia


Những mùi hương ấy, ngoài chất liệu của tinh dầu và dung môi, còn chứa đựng những điều sâu xa hơn thế, một cảm xúc về một miền ký ức đã qua, một mong muốn được sống lại những tháng ngày êm đềm nhất...


Đứng trước biển, bạn nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, bạn cảm nhận hương vị của biển cả thế nào? Trên cung đường xuyên rừng, một bước dừng chân, bạn có thử tận hưởng mùi cỏ cây, mùi của lá mục, mùi của đá, mùi của nước suối, mùi vô hình của một thứ thiên nhiên tinh khiết và tự nhiên đã lâu không có sự xâm lấn của loài người? Mùi hương (như trong bộ phim Perfume: The Story of a Murderer) chính là một ngôn ngữ diễn tả trực quan và đầy đủ nhất một thiên nhiên muôn hình vạn trạng ở xung quanh ta, đầy đủ nhạc tính, lý tính, cũng như các gam độ, sắc độ của sự vật. Do đó, con người luôn sử dụng khứu giác như đôi mắt thứ hai, với tầm nhận biết gần thôi nhưng nhạy bén, chi tiết, xuyên qua thời gian thực, dựa vào những mùi hương còn lưu lại. Trong sự thưởng thức, bản giao hưởng hoàn hảo của vị giác và khứu giác được chơi mãnh liệt trong đầu mỗi khi chúng ta nếm trải một món ăn ngon, một ngụm rượu nồng, vị khói thuốc ủ kỹ từ điếu cigar lâu năm hay trong cái tẩu cũ... Sự thỏa mãn đạt được khi thăng hoa cùng lúc song hành giữa vị và mùi, tôn trọng, bổ trợ cho nhau, nhằm đạt được hình ảnh tối đa, sự gợi mở rõ rệt nhất của ký ức chúng ta về những trải nghiệm đó.

Nhìn theo dòng thời gian, trong bất kỳ nền văn minh, tôn giáo hay quốc gia nào, hương thơm luôn mặc định gắn liền với điều quý nhất, như thần thánh, vua chúa cho đến lan tỏa dần trong tầng lớp quý tộc.

Ai Cập cổ đại được cho là cái nôi của nghề lưu giữ mùi hương khi mà họ dùng nó trong mọi hoạt động tôn giáo, nghi lễ và cả việc làm cho thân thể mình thơm tho, trở nên gần gũi với vẻ đẹp của thần linh.   Hoa Huệ hay mùi hương của nó được cho là bắt nguồn từ hương thơm của thần thánh, đã trở thành nguyên liệu chính cho mọi lọ nước thơm của nền văn minh cổ xưa này. Ba Tư huyền bí thì góp công lớn trong việc tạo ra nhiều mùi hương mới từ các phương pháp chưng cất, đặc biệt hơn là bắt đầu sử dụng cồn làm dung môi thay vì chỉ sử dụng tinh dầu tự nhiên như trước. Dần dần, mở rộng ra khu vực Lưỡng Hà, Trung Hoa, Trung Đông…, đâu đâu cũng phảng phất những hương thơm đặc trưng, gắn liền với văn hóa, sản vật tự nhiên của từng vùng lãnh thổ riêng biệt. 

Cho tới ngày nay, mùi hương, hay nước hoa – "giao diện" đơn giản và trực tiếp hơn, đã dần trở nên phổ biến, chẳng còn là thứ chỉ dành cho thần thánh hay để phân chia giai cấp. Bất kỳ ai duy mỹ, biết rung động trước vẻ đẹp của một không gian siêu hình, được xây dựng bằng ký ức, đều có quyền sở hữu cho riêng mình. Pháp, Mỹ, Anh là những quốc gia đã góp phần tạo nên một ngành công nghiệp nước hoa hiện đại đa dạng tầng tầng lớp lớp. Ngoài những nguyên liệu từ thiên nhiên từ thảo mộc hay động vật, đã xuất hiện những nguyên liệu nhân tạo như Aldehyde, mà gần gũi nhất có lẽ là Aldehyde 44 của nhà nước hoa Le Labo. Nhưng hành trình để chúng ta có thể tìm thấy những mùi hương phù hợp cho bản thân, chạm đến cảm xúc của chính mình, mỗi khi sử dụng, thì còn là một câu chuyện dài, bất tận, tựa như chính cuộc sống của chúng ta.


Chẳng trực tiếp cảm nhận được như thị giác, không dễ thu hút như thính hay vị giác, tuy nhiên mùi hương lại được ưu ái: nằm ở nơi sâu thẳm nhất của miền ký ức. Hình ảnh, giai điệu có nhòa dần theo năm tháng, nhưng bất chợt bắt gặp mùi hương cũ, dù tưởng chừng quên, những kỉ niệm cũ cứ men theo hương thơm mà tìm về. Đó là mùi gỗ thông cháy đầy khói của Arso nhà Profumum Roma cho những ngày rét căm của Hà Nội. Đó những buổi hò hẹn cũ, thấm đượm lên áo khoác của người yêu dấu mùi hồng hổ phách ngọt ngào và ấm áp của Ambre Nuit, thuộc dòng La Collection Privée của nhà thiết kế lâu đời Dior. Đó là những ngày mưa, khi thì Vetiver Extraordinaire của Frederic Malle, khi thì Sycomore của Chanel Exclusif, những mùi cỏ hương bài Vetiver mẫu mực của nước hoa đương đại. Đó là Vanille 44, thứ Vanille chẳng ngọt ngào như thường thấy, mà lại tươi mới, xen lẫn chút khói mà Le Labo đã ưu ái dành riêng cho Paris thơ mộng... Nước hoa chẳng chỉ riêng giữ cất ký ức của kẻ dùng, mà còn chứa chất nhiều tâm tình của người sáng tạo. Jean-Claude Ellena, tên tuổi đứng sau hầu hết các mùi hương thành công nhất của nhà Hermès, đã tạo ra tuyệt tác Thiên thần sau cơn mưa (Angelique Sous La Pluie) nhờ những khoảnh khắc trong một khu vườn sau mưa với hương của cỏ cây hoa lá, đất trời. Hay gần gũi hơn là Diptyque Tam Dao, được đặt theo tên một địa danh ở Việt Nam, nơi gắn liền với tuổi thơ của nhà sáng tạo Yves Coueslant. 

Đến bao giờ ta thấy cần mở cửa sổ vào mỗi sáng thức dậy để cảm nhận đất trời giao hòa, cảm nhận ngày đang dần tới, để chọn cho mình một mùi hương phù hợp. Đến bao giờ ta bất giác: giá phải "diện" một mùi hương nào đó cho ngày hôm nay. Đến bao giờ ta chạnh lòng tiếc nuối một chai nước hoa nào đó bị ngừng sản xuất. Thì khi đấy ta biết, những mùi hương ấy, ngoài chất liệu của tinh dầu và dung môi, nó còn chứa đựng những điều sâu xa hơn thế, một cảm xúc về một miền ký ức đã qua, một mong muốn được sống lại những tháng ngày êm đềm nhất, trải nghiệm lại một lần nữa những điều đẹp đẽ mà mình mong muốn, và gọi đó là Nostalgia. Bài: Hải Âu (The Purists Club) - Style Columnist

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page