top of page
Ảnh của tác giảPhong Huynh

Mãn nguyệt quá hải: Người Viking, đại dương và thiên văn học (Kỳ 1)

Hay câu chuyện về người Viking và đại dương, mặt trăng, thiên văn học, nguồn gốc đồng hồ hàng hải và tạo tác “Tourbillon Rising of the VIKINGS”.


CHU KỲ CỦA MẶT TRĂNG


Xuyên suốt lược sử loài người, mỗi nền văn hóa khác nhau đều có cách riêng để tạo ra những câu chuyện nhằm cố gắng lý giải cho những tri thức mà họ chưa thể tường tận. Mỗi hiện tượng tự nhiên đều gắn liền với một giai thoại và được truyền đời qua nhiều thế hệ. Những người đi biển đầu tiên của Ai Cập cổ đại đã sáng tạo ra Dương lịch bằng việc quan sát sự thay đổi thời gian xuất hiện của Thiên Lang Sirius – ngôi sao sáng nhất bầu trời đêm.

Mặt trăng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống loài người.


Người Ai Cập Cổ Đại quan niệm khi sao Thiên Lang mọc cũng là lúc bắt đầu mùa nước lũ sông Nile, và cũng là “Ngày Sói Tru Trăng” trong mùa hè ở Hy Lạp cổ; người ở vùng đảo Polynesia lại đánh dấu đó là ngày của mùa đông và là ngày quan trọng nhất cho ngành hàng hải ở Thái Bình Dương. Như điển hình trong truyền thuyết của người Viking, sói và trăng luôn có một sự liên quan mật thiết. Sau đó tới người La Mã với sự vận dụng biểu hiện mặt trăng, quan sát bầu trời cao và sử dụng những thiên thể để định lượng thời giờ.


Theo lời kể từ Publius Cornelius Tacitus, sử gia La Mã lỗi lạc nhất của nhân loại, sống vào thế kỷ thứ nhất cách đây hơn 2000 năm, các cộng đồng người Đức cổ đại thường tổ chức lễ hội vào những ngày trăng tròn, còn gọi là mùa mãn nguyệt, được xem là thời khắc tốt đẹp nhất trong hành trình của mặt trăng, khép kín trong một chu kỳ nhất định, điều này không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến thủy triều (mực nước biển) mà còn quyết định cả thời gian gieo trồng, thu hoạch mùa vụ, tổ chức các lễ nghi tôn giáo hoặc diễn ra các sự kiện quan trọng mang tính văn hóa thuần túy, trong đó, việc xác định thời điểm ra khơi dựa vào thiên văn là yếu tố tối quan trọng trong các chuyến hải trình.


Qua hàng ngàn năm lịch sử nhân loại, vai trò của mặt trăng trong cuộc sống con người sớm đã minh bạch như vầng hào quang mà nó mang bên mình. Nhưng ý nghĩa sâu xa và quan trọng nhất của mặt trăng liên quan tới việc đo lường thời gian, một tuần trăng được hiểu như một tháng. Người cổ xưa đã biết dùng mặt trăng làm đơn vị đo lường thời gian, mặc dù vòng cung mặt trời quyết định ngày và mùa, mặt trăng lại là phương pháp đầu tiên để nói về các tháng trôi qua.


Từ lúc mặt trăng còn non đến khi đã tròn và lặp lại một lần nữa, trọn vẹn chiếm 29 ngày rưỡi. Sự vận động này khép kín trong một vòng tuần hoàn cố định, cung cấp cho nhân loại một chu kỳ thống nhất của rất nhiều hoạt động trong nhiều thế kỷ.


Nói rõ hơn, các hoạt động này có thể liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, ngày cúng bái và các lễ hội hằng năm như đã đề cập. Tuy nhiên việc sử dụng mặt trăng làm đơn vị thời gian là khá đơn giản vào thời đó, nó từng là một cạm bẫy đối với trí tuệ ngô nghê đầy tích cực của con người. Việc tính tháng theo mặt trăng rất tiện lợi, vì khắp nơi trên mặt đất đều có thể nhìn thấy các chu kỳ trăng, thế nhưng tạo hóa vốn trêu ngươi như muốn thử thách, dồn ép con người vào các ngõ cụt khiến con người luôn phải vận động, sáng tạo và phát triển, để rồi những phát kiến ra đời và không ngừng tiến bộ. Hiểu được tầm quan trọng thiên văn, con người càng không ngừng vận dụng trí tuệ và sức tưởng tượng để mô phỏng chuyển động của mặt trăng nhằm làm chủ thời gian một cách hiệu quả nhất.


“Thượng đế đã tạo dựng các hành tinh và các ngôi sao không phải để chúng thống trị nhân loại, mà để chúng cũng như các tạo vật khác, vâng phục và phụng sự con người.” (Paracelsus – nhà chiêm tinh học người Đức)

LỊCH TUẦN TRĂNG MOONPHASE


Ít có tính năng nào thú vị hơn nhằm hiển lộ nét phức tạp, công phu và giàu tính nghệ thuật như cơ chế lịch tuần trăng “moonphase”. Sự xuất hiện của lịch tuần trăng trở thành dấu hiệu nhận biết những cỗ máy thời gian đẳng cấp và xa xỉ. Có lẽ vì lý do đó, tính năng này được các nhà chế tác đồng hồ châu Âu sau này, đặc biệt là Thụy Sĩ không thể bỏ qua, cực kì ưa chuộng kỹ thuật trình diễn này và công năng hữu dụng của nó. Và rồi, những chiếc đồng hồ thiên văn học cổ đã ra đời, tồn tại dưới nhiều hình dạng lẫn hình thức khác nhau mang tính biểu tượng thiêng liêng và đại chúng (độc giả có thể tham khảo trong loạt bài 12 Tháp đồng hồ Trung Cổ).

Tính năng đồng hồ moonphase cho thấy giai đoạn hiện tại của mặt trăng trên bầu trời.


Đến hiện tại, độ phổ biến của những chiếc đồng hồ quả quít hay đeo tay với tính năng lịch tuần trăng phần nào gợi nhớ những tháng năm khảo cứu thiên văn qua hàng thiên niên kỷ. Một chiếc đồng hồ moonphase cho thấy giai đoạn hiện tại của mặt trăng hiện hữu trên bầu trời, ẩn dụ thời gian đang dần lặng lẽ trôi đi. Chuyển động của tính năng moonphase trên chiếc đồng hồ cơ học nhỏ bé cũng đang đồng hành từ tốn như thế. Với triết lý thiết kế điển hình và tiếp cận thị giác trực quan sinh động, sau mặt số của chiếc đồng hồ moonphase thường là 1 đĩa tròn xoay, có chứa hai mặt trăng y hệt nhau, hoặc họa tiết có biểu lộ cảm xúc. Cứ sau 29 ngày rưỡi, đĩa này sẽ quay trọn một chu kỳ tuần trăng hoàn chỉnh. Đĩa mặt trăng được định vị & điều hướng bởi 1 bánh xe có từ 59 đến 135 răng, được “xô lên” dần đều bởi một cò lẫy cơ học mỗi 24 tiếng đồng hồ, tương ứng với 1 vòng quay gần như đầy đủ cho toàn bộ chu kỳ của mặt trăng.


Vì trong thực tế, mặt trăng chẳng tuân theo quy luật tương đối của sự phối hợp này, chu kỳ của Mặt trăng thật sự kéo dài trong 29.53 ngày (tức 29 ngày và 12 giờ 44 phút), có thể nhẩm tính được sai số 0.03 ngày mỗi tháng, tương ứng với việc chức năng moonphase 59 răng sẽ “nghỉ ngơi” trọn vẹn một ngày sau mỗi 31 tháng rưỡi. Một ngày nghỉ nghe có vẻ tích cực và thú vị, nhưng với thời gian thì không thể đùa được, đó hẳn là điều sẽ luôn làm đau đáu, kích thích “sự không thỏa mãn” theo đúng tinh thần cầu toàn của các bậc thầy chế tác đồng hồ. Một khi đã dấn thân và lập nghiệp trong bộ môn cơ khí đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối này, phải luôn đào sâu nghiên cứu kỹ thuật, cải tiến không ngừng.


Để khắc phục được sai biệt giữa chức năng moonphase trên đồng hồ và chu kỳ mặt trăng trong thực tế, một cơ chế phức tạp hơn đã ra đời: hoán đổi bánh xe 59 răng, thay thế nó bằng sự uyển chuyển của tổ hợp bánh xe trung gian hình ngôi sao 7 cánh tác động đến đĩa xoay 16 răng liền kề, kết hợp với đĩa mặt trăng lên đến 135 răng, do đó độ chính xác của tuần trăng có thể được cải thiện đáng kể trong một ngày sai số đó. Điểm thú vị nằm ở chỗ khi ngôi sao bảy cánh di chuyển một nấc mỗi ngày, bánh xe 16 răng sẽ di chuyển theo cơ số 16/7 = 2.2857 vết khía, và bánh răng 135 răng liền kề cũng quay theo cùng một hệ số tương ứng. Để thực hiện một cuộc cách mạng đầy ngoạn mục với 135 nấc, đĩa bánh răng này cần phải hoạt động theo 135/2.2857 = 59.0625 lần.


Bài: Phong Huỳnh - Watches Columnist

Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page