Lý giải sức hút khó cưỡng của vàng (Kỳ 1) Chất liệu mang tính biểu tượng
Từ thời văn minh cổ đại, đế chế Ai Cập, đế quốc Inca đến ngày nay, vàng vẫn luôn là vật liệu có giá trị thực sự cũng như giá trị biểu tượng trong tâm trí loài người. Vàng vừa là đơn vị quy đổi để thông thương mua bán, vừa là đơn vị để tích trữ tài sản và là kim loại đầy hãnh diện để làm trang sức cũng như trang trí trong cung điện của những yếu nhân, các Hoàng gia, Vua Chúa.
Vàng – chất liệu được nhân loại lựa chọn
Loài người vốn sống bày đàn, đó cũng là sức mạnh của nhân loại đã giúp làm chủ trái đất này, vượt qua nhiều loài vật to lớn khác. Vì đặc tính này, khi đã là thành viên của một xã hội hay hội nhóm, chuyện thông thương giao tế là đương nhiên xảy ra. Tổ tiên chúng ta đã mất nhiều năm tiến hoá để chọn ra được một vật liệu để dùng làm thang quy đổi trong kinh tế - một đồng xu kim loại quý thật gọn nhẹ, giúp những thương lái dễ dàng giao tế, cất trữ và mang theo bên mình. Và trong số tất cả các kim loại, Vàng là lựa chọn lôgic nhất.
Tiêu chí để một kim loại quý trở thành đơn vị giao dịch được trước tiên là chất liệu phải khó sản xuất, hiếm nhưng ở một mức độ chấp nhận được; đồng thời số lượng phải đủ để nền kinh tế có thể giao dịch được. Những ai hiểu về kim loại quý đều biết rằng Vàng không phải là vật liệu hiếm nhất, nhưng nó khó có thể sản xuất số lượng lớn với những kĩ nghệ tiền công nghiệp nhưng lại có những phẩm chất vượt trội mang tính quyết định.
Vàng không bị ô xy hoá, do đó sẽ không bị hao hụt qua năm tháng, trong khi nhiều kim loại khác có thể bị gỉ sét. Ví dụ như Sắt, Đồng và Nhôm không có đặc tính chống oxy hoá và chống ăn mòn như Vàng, vậy nên rất khó để chọn những chất liệu này để tích trữ. Qua năm tháng kho Sắt, Đồng, Nhôm khó có thể giữ được giá trị, trong khi kho Vàng vẫn tồn tại bền vững. Những chất liệu quý khác như Platinum hay Palladium thì cũng có khả năng chống ô xy hoá và ăn mòn, tuy nhiên số lượng của các vật liệu này lại quá hiếm, không đủ trữ lượng để có thể sử dụng làm phương tiện giao dịch.
Độ mềm của vàng đã khiến nó càng được yêu thích trong các dự án trang trí và nhiều ngành công nghiệp khác. Bạc cũng có độ mềm dễ chế tác, tuy nhiên về mặt thẩm mĩ, vàng có một sắc độ độc đáo và quyến rũ riêng. Lý do là bởi các nguyên tử vàng vốn nặng hơn bạc và nặng hơn nhiều kim loại quý khác, điều đó khiến chúng chuyển động nhanh hơn, hấp thụ ánh sáng và vì thế vàng có độ sáng toả ra từ nội tại.
Trong thế giới hiện đại ngày nay thì mỗi quốc gia đều có một đồng tiền giấy, rồi tiền ảo để làm công cụ thương mại, việc giao thương bằng vàng không còn phổ biến như cũ. Nhưng khác với bất kì đồng tiền nào, vàng không chỉ có giá trị bền vững và nó còn mang giá trị tâm lý rất lớn trong tiềm thức nhân loại.
Nếu đồng tiền của một quốc gia nào đó bị sụp đổ, người ta sẽ không giao thương hay trữ vàng ngay lập tức vì lúc đó người ta chú tâm hơn đến việc tích trữ nhu yếu phẩm. Nhưng qua thời gian nếu khủng hoảng còn kéo dài như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh thảm khốc, tiền giấy, pháp luật, quốc gia cũng không còn tồn tại, chúng ta lập tức quay về với Vàng. Chính vì lẽ đó, Vàng vẫn luôn là một trong những phương thức tích trữ lý tưởng nhất trên Trái Đất vì tính bền vững, đảm bảo có thể sử dụng được trong tình huống xấu nhất. Nếu ngày nay so sánh trên một mặt phẳng để đo đếm sự giàu có trên thế giới này bằng một đồng tiền nào đó, người ta vẫn đổi ra Vàng. Vàng quan trọng đến mức đã có cả các cuộc chiến tranh vì nó. Chất liệu tự nhiên này vẫn luôn khiến người ta khao khát sở hữu và tích trữ, càng tôn vinh tầm quan trọng của nó qua hàng thế kỉ mà chưa có đồng tiền giấy nào hoặc kim loại nào khác có được vị thế như vậy.
Giá vàng không bị kiểm soát bởi bất kì một tổ chức nào, nó phụ thuộc vào chi phí để khai thác và tinh chế vàng từ tự nhiên và quan trọng hơn cả là giá thị trường – do con người sẵn sang trả bao nhiêu để sở hữu nó. Những vật liệu tự nhiên khác có thể tìm thấy dễ dàng trên vỏ trái đất thì sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn, do vậy giá để sở hữu chúng cũng vừa phải hơn. Thời gian, máy móc, sức người, kĩ thuật đều là những yếu tố tác động đến giá của kim loại quý. Vàng không như các vật liệu có thể sản xuất được trong phòng thí nghiệm hay nhà máy nên giá để sở hữu của nó cơ bản đã cao. Nếu càng nhiều người mong muốn sở hữu vàng và mua vàng thì họ phải cạnh tranh về giá, dẫn tới càng đẩy giá vàng lên.
Bài: Navigator Media
Comments