Les Cabinotiers Westminster Sonnerie - Tuyệt tác bespoke từ Vacheron Constantin
Được khởi động dự án vào năm 2013, chiếc đồng hồ “Les Cabinotiers Westminster Sonnerie – Tribute to Johannes Vermeer” là một tạo tác bespoke kết hợp một cách tinh xảo tinh hoa chế tác đồng hồ và nghệ thuật thủ công của Vacheron Constantin.
Chiếc đồng hồ này được trang bị bộ chuyển động in-house phiên bản mới, Calibre 3761, với tính năng điểm chuông Grande Sonnerie và tourbillon, được phát triển đặc biệt bởi đội ngũ chế tác đồng hồ đã tạo nên chiếc Reference 57260. Nghệ thuật chế tác thủ công thể hiện qua chiếc đồng hồ này cũng không kém phần nổi trội. Bộ vỏ được chạm khắc bằng tay trên vành bezel, nắp lưng và các mặt bên, mặt trên được đính một quai tô điểm bởi hai hoạ tiết đầu sư tử. Nắp lưng của bộ vỏ kiểu sĩ quan được tôn lên một cách tuyệt vời nhờ tái tạo tráng men thu nhỏ bức hoạ nổi tiếng Girl with a Pearl Earring của danh hoạ Vermeer, được chế tác bởi nghệ nhân tráng men Anita Porchet.
Ở Vacheron Constantin, Les Cabinotiers là một bộ phận độc lập, chuyên tâm trong việc cá nhân hoá các mẫu đồng hồ và chế tác những tạo tác độc bản. Tiếp bước những nghệ nhân chế tác đồng hồ bậc thầy tại Geneva, được biết đến với tên gọi cabinotiers trong Thời kỳ Khai Sáng, đội ngũ đã chinh phục thử thách hiện thực hoá giấc mơ của một nhà sưu tầm đầy đam mê, người luôn mong muốn một chiếc đồng hồ bỏ túi độc nhất về cả kỹ thuật và thẩm mỹ, phản ánh những truyền thống cao quý nhất của Haute Horlogerie vào thế kỷ 19.
Khởi nguồn từ truyền thống 266 năm kinh nghiệm chế tác, chiếc đồng hồ Les Cabinotiers Westminster Sonnerie – Tribute to Johannes Vermeer hoà quyện nghệ thuật và thẩm mỹ, bộ máy cơ khí độc nhất và chuyên môn kỹ thuật đỉnh cao. Chế tác này khoả lấp những khát vọng sâu thẳm nhất của một nhà sưu tầm mà “đam mê nằm trong việc luôn luôn kiếm tìm những thứ không thể đạt tới trên lý thuyết”, một nhà sưu tầm mà tình yêu dành cho những chiếc đồng hồ độc bản của ông đã khơi nguồn cho dự án kéo dài tám năm hợp tác với Vacheron Constantin. Cuộc phiêu lưu ấy, chứa đựng đầy thử thách, tìm tòi và cải tiến không ngừng, đã tạo nên tuyệt tác thực thụ của Haute Hologerie.
Kỹ thuật chế tác đồng hồ điêu luyện
Bộ chuyển động Calibre 3761
Chiếc đồng hồ Les Cabinotiers Westminster Sonnerie – Tribute to Johannes Vermeer được trang bị bộ máy thế hệ mới lên cót tay gồm 806 chi tiết, được điều chỉnh bởi một tourbillon và kết hợp bộ điểm chuông Grande và Petite Sonnerie Westmister, đi kèm một bộ lặp phút. Trong số những tính năng của đồng hồ, những mẫu Grande Sonnerie luôn sở hữu một vầng hào quang đặc biệt, không chỉ do độ phức tạp vốn có của những cỗ máy điểm chuông nhiều cồng này, mà còn bởi chất lượng âm thanh độc đáo.
Vacheron Constantin và những chiếc đồng hồ Grande Sonnerie
Những chiếc đồng hồ Grande Sonnerie mang trong mình truyền thống hàng thế kỷ của thương hiệu. Trong số những chiếc đồng hồ lâu đời nhất được bảo tồn cho đến nay, chiếc đồng hồ du lịch đầu tiên sở hữu chức năng phức tạp như vậy xuất hiện từ năm 1820. Khi nói đến đồng hồ bỏ túi, mẫu lâu đời nhất với chức năng Grande và Petite Sonnerie trong bộ sưu tập di sản Vacheron Constantin được chế tác vào năm 1827. Tiếp theo sau là một số chiếc đồng hồ được trang bị các cơ chế tương tự, trong số đó, một vài mẫu đã trở thành đại diện cho những tạo tác mang tính bước ngoặt được ưu ái với một loạt các tính năng cực kỳ phức tạp, chẳng hạn như chiếc "Packard" được ra mắt vào năm 1918 hoặc chiếc đồng hồ của Vua Fouad I được hoàn thiện vào năm 1929. Gần đây hơn, chiếc đồng hồ bỏ túi phức tạp nhất thế giới, Reference 57260, được trình làng vào năm 2015 nhân dịp kỷ niệm 260 năm thành lập của Maison, đã tái khẳng định chuyên môn của Vacheron Constantin trong lĩnh vực chế tác đồng hồ tinh xảo.
1. Đồng hồ du lịch (Ref.Inv.10709) - 1820
2. Đồng hồ bỏ túi với tính năng Grande và Petite Sonnerie (Ref.Inv.10715) - 1827
3. Đồng hồ bỏ túi, chế tác cho James Ward Packard (Ref.Inv.11527) - 1918
4 Đồng hồ bỏ túi, tặng phẩm cho Vua Fouad 1 (Ref.Inv.11924) - 1929
"Từ lâu tôi đã mơ ước sở hữu trong bộ sưu tập của mình một chiếc đồng hồ bỏ túi điểm chuông Westminster thực thụ, 5 cồng và 5 búa, với chức năng Grande và Petite Sonnerie, được tô điểm bằng tiểu hoạ tráng men." Đó chính là suy nghĩ của vị khách đã đặt làm mẫu đồng hồ này, từ đó dẫn đến sự ra đời của bộ chuyển động Calibre 3761 có đường kính 71 mm và độ dày 17 mm. Bộ máy được điều chỉnh bởi một tourbillon ở phần dưới, có thể nhìn thấy qua nắp lưng và hoàn thành trọn vẹn một vòng quay trong một phút. Tourbillon được điều khiển bởi bộ dao động 2,5Hz (18,000 dao động mỗi giờ). Bộ điểm chuông Westminster được trang bị trong bộ chuyển động này là một trong những cỗ máy điểm chuông chế tạo phức tạp nhất, bởi nó cần đến một chuỗi năm cồng để tạo nên giao điệu hài hòa hoàn hảo nhờ những chiếc búa gõ tương ứng được kiểm soát bởi bốn giá đỡ. Trong đồng hồ đeo tay, cơ chế Grande Sonnerie thường được vận hành bởi một giá đỡ, chủ yếu do yêu cầu về kích cỡ. Giải pháp sử dụng hệ bốn giá đỡ và bộ giữ, với bốn giá đỡ cho chuông giờ và khắc, một giá đỡ cho bộ lặp phút, cải thiện độ mượt tiếp nối của các giai điệu, và như một sự bổ sung tinh tế, cho phép phát ra các giai điệu khác nhau tương ứng với từng khắc.
Tiếng chuông Westminster
Khái niệm “Tiếng chuông Westminster” được đặt theo tên của bộ chuông trên tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng thế giới, tại Toà nhà Quốc hội Anh ở London: một giai điệu bốn khuông với bốn thanh âm được chơi ở các nhịp điệu khác nhau. Ở chế độ “Grande Sonnerie”, đồng hồ điểm chuông mỗi 15 phút trôi qua, với chuông điểm giờ lặp lại ở mỗi phần tư, đó chính là ba ô nhịp của giai điệu Westminster được nối tiếp bởi năm nốt đơn mỗi 5 giờ 45 sáng. Ở chế độ “Petite Sonnerie”, chiếc đồng hồ điểm chuông mỗi giờ và mỗi phần tư giờ trôi qua, nhưng không điểm lại giờ khi thay đổi phần tư. Cơ chế điểm chuông có thể được kích hoạt bất kỳ lúc nào bằng cách trượt lên mặt bên của đồng hồ. Sau đó, chiếc đồng hồ sẽ hoạt động như một minute repeater điểm chuông báo các phần tư, phút và giờ theo thứ tự. Công tắc chọn được đặt ở vị trí 9 giờ giúp chủ nhân lựa chọn giữa ba chế độ.
Ở chế độ "Sonnerie" (báo chuông), đồng hồ sẽ tự động được kích hoạt mỗi một phần tư giờ, giống như chiếc đồng hồ treo tường. Ở chế độ "Night Silence", một tính năng đặc biệt được phát triển và điều chỉnh đặc biệt để tương thích với bộ chuyển động 3761 theo múi giờ người đeo lựa chọn, báo thức sẽ ngừng hoạt động trong khoảng thời gian từ 11 giờ đêm đến 9 giờ sáng, từ đó tiết kiệm năng lượng cũng như đảm bảo sự yên tĩnh vào buổi đêm. Chế độ thứ ba và cũng là chế độ cuối cùng – chế độ "Silence" – ngừng hoàn toàn cơ chế điểm chuông. Một công tắc chọn thứ hai, được đặt ở vị trí giữa 10 và 11 giờ, được sử dụng để chuyển đổi từ Grande Sonnerie sang Petite Sonnerie theo ý muốn của chủ nhân. Hai hộp cót đảm bảo khả năng hoạt động tự động khoảng 16 giờ đối với cơ chế điểm chuông ở chế độ "Grande Sonnerie" và 80 giờ đối với việc chỉ báo thời gian, đi kèm một mô-men xoắn có thể hoạt động ổn định đến khi hết năng lượng dự trữ.
Bộ chuyển động Calibre 3761 được trang bị một bộ điều khiển điểm chuông hướng tâm đảm bảo sự đều đặn hoàn hảo của các chuỗi âm thanh, ở đó các nốt phải vừa rõ nét vừa êm tai. Hệ thống này được đặc trưng bởi một cặp bánh lắc hình dáng rất đặc biệt đã được tối ưu hóa để tạo thành một loại "phanh" - bằng lực hướng tâm - trên trục quay của bộ điều khiển, từ đó loại bỏ năng lượng giải phóng từ hộp cót và đảm bảo nhịp độ ổn định. Cỗ máy độc đáo và nguyên bản này cũng hoàn toàn không phát ra tiếng động. Trong một tính năng đặc biệt khác liên quan đến dòng chảy của thời gian, bộ máy này mang trong mình hệ thống bánh răng đôi với bộ chỉnh khe hở. Với kích thước kim lớn, để loại bỏ khả năng kim giây bị giật ở vị trí 6 giờ, một cơ chế dựa trên hệ thống hai bánh răng đồng trục kết nối bởi một lò xo đã được thiết lập giúp đảm bảo sự trơn tru của hoạt động.
Từ hoàn thiện ngoại hạng đến lắp ráp tinh tế
Là đại diện cho kết quả của tập hợp những tài năng hiếm có, chiếc đồng hồ Les Cabinotiers này thể hiện tiêu chuẩn cao và sự chăm chút đến từng chi tiết trong quá trình hoàn thiện bộ chuyển động. Do đó, tất cả các thành phần đều được hoàn thiện bằng tay - từ cầu nối cân bằng chạm khắc hoàn toàn đến các cầu nối được đánh bóng bằng bột kim cương để đạt được bề mặt bóng như gương, cũng như quá trình xử lý mạ các tấm khung được trang trí bằng kỹ thuật Côtes de Genève, mang một màu sâm panh nhẹ nhàng - tạo nên một hiệu ứng tổng thể gợi nhớ về những truyền thống chế tác đồng hồ cao quý nhất.
Những gì họ đã làm trên bánh cóc và hai bánh xe của trống cót là ví dụ tuyệt vời cho sự tỉ mỉ kỳ công này. Đầu tiên, các bánh xe được xử lý bề mặt dạng phun cát, sau đó chải tia, trước khi các răng được phủ bảo vệ trên tất cả các cạnh. Kiểu hoàn thiện này bao gồm việc vát mép các răng, tạo một lớp phủ bóng như gương trên các bộ phận phẳng, một kỹ thuật trước đây được sử dụng trong chế tác đồng hồ cổ điển và Maison vẫn cam kết gìn giữ. Cần một tuần làm việc với sự kiên nhẫn và tỉ mẩn để hoàn thiện ba chi tiết này.
Hiệu chỉnh những chiếc cồng cũng đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối. Lần đầu tiên được kiểm tra được khi treo lên, chúng được tạo hình theo cách để có thể đạt được chính xác từng âm đơn lẻ. Tuy nhiên, có thể sẽ có những sự bất ngờ xảy ra khi cơ chế gõ chuông được đặt vào vị trí – trong trường hợp của chiếc đồng hồ này, hai trong năm chiếc cồng đã phải thay đổi để đạt được hoà âm mong muốn. Bằng cách thay thế hợp kim thép, âm thanh của hai chiếc cồng mới trở nên trong trẻo hơn, để có thể đồng điệu với ba chiếc còn lại.
Do đó, quá trình “chỉnh âm” Grande Sonnerie đòi hỏi một chuỗi các bước lắp ráp hoàn thiện lặp lại liên tiếp, vì cơ chế gõ chuông cần phải được gỡ ra để hiệu chỉnh trong những lần “chạy thử” khác nhau. Đây thực sự không phải phần duy nhất của bộ máy phải trải qua nhiều lần chỉnh sửa trong các giai đoạn khác nhau, đó là lý do vì sao phần đáy phải được hoàn thiện trước cả khi bộ vỏ được trang trí. Một khó khăn nữa gặp phải trong việc chế tác chiếc đồng hồ độc bản này đó chính là sự bất khả thi của việc đóng vỏ lại với bộ máy đã chế tác hoàn thiện, bởi một phần của việc lắp ráp cuối cùng phải được thực hiện trực tiếp bên trong bộ vỏ. Với mức độ hoàn thiện và sự tinh vi trong trang trí của từng bộ phận, bao gồm cả bộ vỏ, cũng như thực tế là bất kỳ thao tác xử lý nào cũng có khả năng làm giảm chất lượng, cần mười bước tham gia vào việc lắp bộ chuyển động – bộ phận mà sau đó sẽ được tháo ra khoảng chừng đó lần để điều chỉnh – tiếp theo là việc lắp ráp hoàn thiện yêu cầu một sự liền mạch khéo léo khác thường. Một đội ngũ nhỏ gồm các chuyên gia hàng đầu đã tham gia chế tạo bộ máy 3761 này, từ phát triển, sản xuất và hoàn thiện (bao gồm trang trí sunburst, mài vát và phun cát thủ công) các chi tiết khác nhau cho đến lắp ráp và đóng vỏ cho bộ chuyển động.
Kỹ thuật tráng men thu nhỏ “Geneva”
Ngay từ khi bắt đầu dự án, vị khách này đã bày tỏ mong muốn rằng mặt phủ của nắp lưng dạng quân đội phải có một bức tranh men thu nhỏ thực hiện bởi nghệ nhân Anita Porchet. Tác phẩm được chọn là bức hoạ Girl with a Pearl Earring, được vẽ vào khoảng năm 1665 bởi hoạ sĩ người Hà Lan Johannes Vermeer. Vượt lên cả thách thức trong việc tái tạo kiệt tác của một danh hoạ, kích thước không thường thấy của bề mặt đường kính 98 mm cũng để ngỏ nhiều khó khăn. Kích thước này, thường thì tương đồng với kích thước của những chiếc đồng hồ trên xe ngựa hơn là đồng hồ bỏ túi, đòi hỏi sự khéo léo, chính xác, loại bỏ những điều bất thường kể cả nhỏ nhất.
Thành quả này là sự phục hưng truyền thống vĩ đại của nghệ thuật vẽ men thu nhỏ mà Geneva đã chuyên môn hóa. Được biết đến từ cuối thế kỷ 16 về việc sản xuất các loại men chất lượng cao, Geneva trên thực tế đã đem tên của mình đặt cho một số thuật ngữ liên quan đến chất lượng công việc của những người thợ thủ công. “Men Geneva”, một thuật ngữ thường được sử dụng từ thời đó, dùng để chỉ các loại men được sơn phủ bằng chất trợ dung được gọi là “Fondant de Genève”. Kỹ thuật này bao gồm việc thêm một lớp phủ bảo vệ cuối cùng, trong suốt và không màu, vào các lớp men thuỷ tinh hoá, do đó mang lại độ sáng và chiều sâu cho tác phẩm của nghệ sĩ. Phát minh này đã giúp ích rất nhiều cho những chiếc đồng hồ thời kỳ đó, vốn phải chịu ma sát nhiều lần, như đồng hồ bỏ túi chẳng hạn.
Chỉ có một số bậc thầy tráng men hiếm hoi mới chinh phục được kỹ thuật ấy. Người ta chỉ cần nghĩ đến thực tế rằng một lớp men duy nhất trên khăn xếp cũng đã đòi hỏi ít nhất hai tuần để chế tác với kích thước đó. Bảng màu được lựa chọn phù hợp với bản vẽ gốc, đáng chú ý, bảy màu sắc khác nhau đã được pha trộn để tạo nên màu đen, và không thể quên khoảng 20 lần nung để ổn định màu. Tổng cộng, bức chân dung này đã cần đến bảy tháng chế tác để có thể hoàn thiện. Công đoạn nghiên cứu và phát triển – đặc biệt là liên quan đến các chất màu và men sẽ được sử dụng – bắt đầu vào năm 2018 và cho ra kết quả cuối cùng vào năm 2020.
Trong khi việc trang trí đồng hồ đeo tay và đồng hồ treo tường bằng các kỹ thuật tráng men đa dạng đã góp phần rất lớn tạo nên danh tiếng của Fabrique de Genève, nơi chứa đựng toàn bộ tinh hoa chế tác đồng hồ và trang sức ở thế kỷ 18, thuật ngữ "men Geneva" lại gợi nhắc đến bức tranh thu nhỏ bằng men. Quá trình này bao gồm sơn màu - dựa trên oxit kim loại được nghiền thành bột và sau đó trộn với chất kết dính gốc dầu - lên một lớp men trắng phủ trên nền đồng hoặc vàng lá. Giống như việc vẽ tranh bằng sơn dầu hoặc bột màu, người nghệ nhân trước tiên phối màu trên một tấm canvas - ngày nay là dưới kính hiển vi - để có thể khắc họa tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất. Sau mỗi giai đoạn, màu sắc được ổn định bằng cách nung liên tiếp trong lò và không được chạm vào trong toàn bộ quá trình.
Mặt số chính của chiếc đồng hồ được tráng men màu vỏ trứng bằng kỹ thuật Grand Feu với các chữ số La Mã tráng men màu xanh lam.
Chạm trổ và điêu khắc
Phong cách chạm khắc trên vỏ đồng hồ chính là đối tượng của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng do xưởng Métiers d'Art của Vacheron Constantin tiến hành để đảm bảo hoà quyện hài hòa với bức tranh của Vermeer. Sau nhiều đề xuất và thảo luận, bà đã chọn chủ đề trang trí chính là những chiếc lá acanthus chạy dọc theo các cuộn giấy và những bông hoa với tâm ngọc trai. Mô-típ này là sự lặp lại chủ đề của bức The Girl with the Pearl Earring, vốn sở hữu kiểu trang trí cổ điển và nữ tính.
Tài hoa của người thợ khắc bậc thầy của Vacheron Constantin đã tạo nên thành quả thẩm mỹ ấn tượng. Quá trình chế tác bắt đầu bằng việc phác thảo hoạ tiết bằng đầu khắc nhọn. Sau đó, bà tiếp tục tạo hiệu ứng champlevé bằng cách làm rỗng phẳng xung quanh các họa tiết, và sau đó dùng dao trổ để định hình kích thước và chiều sâu. Việc quan sát và phân tích bản mẫu là điều cần thiết để hiểu được khối lượng trước khi bắt đầu cắt kim loại. Để giữ được sự uyển chuyển của các lá acanthus cùng các đường kèm theo, các đường cong cần được kéo dài. Các mặt và đường sọc sau đó được làm sạch và đánh bóng. Công việc này đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn – quá trình đánh bóng thực sự là một hoạt động đòi hỏi sự tinh tế để tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa ánh sáng lung linh của kim loại và thể tích của của phần điêu khắc – vốn dễ dàng mất đi vẻ hấp dẫn năng động nếu các đường nét quá tròn. Để làm nổi bật bóng đổ và thêm chi tiết cho lá và hoa, các đường nét rỗng thanh mảnh được tạo trên mỗi chi tiết bằng cách sử dụng kỹ thuật khắc nét thông qua khoét hoặc làm rỗng vật liệu.
Thao tác cuối cùng, xử lý nền bằng tay từng điểm một, làm nổi bật sự tương phản giữa bề mặt champlevé mờ và các hoạ tiết được đánh bóng. Thao tác này giúp cải thiện khả năng đọc thông số, làm nổi bật trang trí bởi vẻ ngoài lung linh, thông qua việc tạo ra trang trí hoặc kết cấu bằng cách nhấn mạnh vật liệu, khác với chạm khắc và điêu khắc – vốn là việc loại bỏ bớt vật liệu. Phần trang trí ở giữa vỏ được tôn lên bởi một cặp đường viền “ngọc trai”, gợi sự liên tưởng đến bức trang của Johannes Vermeer. Việc tạo ra đường viền này bắt đầu bằng sự phân bố đồng đều của các ô vuông khắc xung quanh vành bezel và mặt sau. Sau đó, thợ khắc biến những hình vuông này trở thành các bán cầu bằng cách sử dụng một công cụ có đầu hình cầu rỗng, ấn lên để tạo thành các bán cầu kim loại. Thao tác xử lý này đòi hỏi sự liền mạch, nhịp nhàng và ổn định. Các hạt nhỏ 0.8mm sau đó được đánh bóng bằng tay với bàn chải có phủ bụi kim cương. Hiệu ứng tạo ra phải có tính liền mạch, đồng thời vẫn duy trì sự khéo léo thủ công, đem lại sức sống cho thành phẩm nhờ những phản xạ độc đáo nhưng đồng nhất. Kiểu trang trí bằng hình cầu hoặc “ngọc trai” này đặc biệt thịnh hành vào đầu thế kỷ 20, đòi hỏi sự tỉ mỉ và thành thạo vô song.
Nối dài kỹ thuật tinh xảo được thực hiện ở phần giữa vỏ, phần quai cũng là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa với hai con sư tử gầm vang. Theo yêu cầu của khách hàng, những tác phẩm điêu khắc nổi ba chiều này được lấy cảm hứng từ những bức tượng cổ điển. Chân thực đến khó tin, được điêu khắc từ vàng khối, chúng là hiện thân của một trình độ bậc thầy hiếm có. Trước khi bắt đầu chế tác trên chất liệu thô, một số bản in 3D đã được tạo ra để xác định kích thước chính xác, giúp người nghệ nhân dễ dàng phô bày tài hoa của mình. Để tạo ra hai chiếc đầu sư tử tương tự nhưng phần bờm không giống nhau, người nghệ nhân đã lần theo đường viền của hai hình khối – mặt trước và mặt trên. Bà quan sát tỉ mỉ để nắm rõ kích thước của hoạ tiết trong không gian ba chiều, trước khi bắt tay vào tác phẩm điêu khắc mà ở đó, dần dần những điểm tham chiếu mà bà vẽ ra từ trước đều trở nên vô nghĩa.
Chiếc đầu sư tử chắc hẳn đã in sâu vào tâm trí bà như một dấu ấn không thể nhầm lẫn trong suốt quá trình chế tác để thổi hồn cho sự sống và tính cách của nó. Khả năng quan sát và độ chính xác là yếu tố cần thiết để tạo nên một tác phẩm điêu khắc động vật bởi chỉ cần dùng một lực quá mạnh, nét mặt của con vật có thể bị biến dạng hoàn toàn. Đầu tiên, người thợ khắc sử dụng một lưỡi phay để xử lý thô vật liệu và sau đó dùng dao trổ để gia tăng độ tinh xảo và chính xác cho tác phẩm. Các chi tiết bề mặt satin, phủ mờ hoặc đánh bóng được tạo nên bằng những công cụ chuyên biệt, một số chi tiết chỉ được chế tác riêng cho chiếc đồng hồ này. Tổng cộng, cần đến năm tháng chế tác thủ công cực kỳ tỉ mỉ để có thể chạm trổ và điêu khắc những chi tiết đa dạng của chiếc đồng hồ bỏ túi này
Cảm giác về sự độc nhất lan tỏa trong từng chi tiết
Để đảm bảo tính an toàn, người nghệ nhân chế tác đồng hồ đặc biệt chú ý đến thiết kế của nắp lưng dạng quân đội có khớp nối. Chủ nhân có thể tiếp cận bộ máy bên trong vỏ đồng hồ bằng cách ấn vào nút bấm tích hợp với núm chỉnh giờ để mở một nửa nắp lưng. Một chốt titan hình nón đóng vai trò như khớp nối, ẩn mình sau những chiếc vít bằng vàng, trong khi một lò xo chiếm một góc gần 90° của bộ vỏ làm giảm tốc độ đóng của chiếc nắp lưng được tráng men và chạm khắc.
Chiều dài lạ thường của các kim - như kim phút dài 35 mm - cũng là một thử thách, đặc biệt trong khi hoàn thiện các bề mặt đánh bóng và đảm bảo bề mặt đồng đều. Để tăng độ nhẹ, chúng được làm bằng chất liệu pfinodal, một hợp kim của đồng, niken và thiếc, sau đó được mạ vàng.
Tổng kết
Là một dự án được thực hiện lần đầu vào năm 2013, Les Cabinotiers Westminster Sonnerie - Tribute to Johannes Vermeer là một phiên bản bespoke đơn chiếc, kết hợp đầy đủ mọi kỹ năng chế tác được chinh phục bởi Vacheron Constantin, từ Haute Horlogerie đến nghệ thuật trang trí. Chiếc đồng hồ được trang bị bộ chuyển động in-house mới, Calibre 3761, được phát triển đặc biệt bởi đội ngũ nghệ nhân chế tác đồng hồ đã tạo nên chiếc Reference 57260. Bộ chuyển động lên dây cót thủ công 806 chi tiết với bộ điều chỉnh tourbillon này đi kèm cơ chế điểm chuông Grande và Petite Sonnerie Westminster và bộ lặp phút. Grande Sonnerie luôn toả sáng trong một vầng hào quang đặc biệt giữa muôn vàn cơ chế phức tạp của thế giới đồng hồ, không chỉ do độ phức tạp vốn có của những cỗ máy điểm chuông nhiều cồng này, mà còn bởi chất lượng âm thanh độc đáo.
Tấm phủ của nắp lưng kiểu quân đội đi kèm một bức tranh tráng men thu nhỏ, được chế tác tinh xảo bằng “kỹ thuật Geneva”, tái hiện bức hoạ Girl with a Pearl Earring, một tác phẩm của họa sĩ người Hà Lan Johannes Vermeer được vẽ vào khoảng năm 1665. Vượt lên trên thử thách tái tạo tác phẩm của một danh hoạ vĩ đại, kích thước nhỏ của tấm đỡ đường kính 98 mm cũng là một khó khăn khác. Các mặt bên của bộ vỏ được tôn lên bởi những phù điêu hình lá acanthus và hoa tulip được chạm trổ bằng tay, đi kèm một vành "ngọc trai", trong khi phần quai được trang trí bằng hai đầu sư tử đang gầm vang được khắc trên một khối vàng.
Khởi nguồn từ hơn 265 năm kinh nghiệm chế tác, chiếc đồng hồ Les Cabinotiers Westminster Sonnerie – Tribute to Johannes Vermeer khoả lấp những khát vọng thầm kín nhất của một nhà sưu tầm mà với ông “đam mê nằm trong việc luôn luôn kiếm tìm những thứ không thể đạt tới trên lý thuyết.’’
THÔNG SỐ KỸ THUẬT
Reference 9910C/000J-B413
Bộ chuyển động: 3761
Được phát triển và chế tác bởi Vacheron Constantin
Bộ chuyển động cơ học lên dây cót thủ công
Đường kính 71 mm (31 ½’’’), dày 17.05 mm
Mức dự trữ năng lượng: khoảng 80h
2.5 Hz (18,000 giao động/giờ)
806 chi tiết
58 viên đá quý
Chiếc đồng hồ được chứng nhận với dấu ấn Geneva
Mốc chỉ giờ: Giờ, phút, giây nhỏ Tourbillon, minute repeater, bộ điểm chuông Westminster
Vỏ đồng hồ: Vàng vàng 3N 18K, được khắc hoạ tiết lá acanthus ở mặt bên cùng hoa tulip và trang trí “ngọc trai” trên vành bezel và nắp lưng.
Quai được khắc hai đầu sư tử
Mặt nắp dạng sĩ quan, kỹ thuật tráng men Grand Feu tái hiện bức tranh Girl with a Pearl Earring của danh hoạ Johannes Vermeer, được chế tác thủ công bởi Anita Porchet.
Đường kính 98 mm, độ dày 32.60 mm
Mặt số: Tráng men màu vỏ trứng với kỹ thuật Grand Feu
Chữ số tráng men màu xanh lam
Kim pfinodal bằng vàng
Hộp đựng: Mẫu Les Cabinotiers được chế tác độc quyền cho chiếc đồng hồ này
Chế tác độc bản
Biểu tượng “Les Cabinotiers “, “Pièce unique”, “AC” được khắc ở nắp lưng
Được thành lập năm 1755, Vacheron Constantin là Nhà chế tác đồng hồ lâu đời nhất Thế giới với hơn 265 năm hoạt động không ngừng nghỉ, luôn trung thành với bí quyết thủ công tinh xảo và phong cách thẩm mỹ giàu tính nghệ thuật được lưu truyền qua các thế hệ nghệ nhân bậc thầy. Ở đỉnh cao nghệ thuật chế tác Đồng hồ Cao cấp và sự thanh lịch tinh tế, Maison đã tạo nên những cỗ máy đo thời gian độc đáo về kỹ thuật và thẩm mỹ, với những chi tiết hoàn thiện vô cùng hoàn hảo. Vacheron Constantin mang tới cuộc sống một di sản không gì so sánh được và tinh thần đổi mới thông qua các bộ sưu tập của mình: Patrimony, Traditionnelle, Métiers d’Art, Overseas, Fiftysix, Historiques và Égérie. Thương hiệu này cũng mang đến cho những người chơi đồng hồ sành sỏi cơ hội hiếm có để sở hữu những chiếc đồng hồ độc đáo được thiết kế theo yêu cầu thông qua bộ phận “Les Cabinotiers"
Bài: Navigator Media
Comments