Kỷ nguyên châu Á trong 2 năm qua – điều gì đã thay đổi và dự đoán tương lai
Các nhà lãnh đạo McKinsey từ khắp các khu vực trên thế giới cùng thảo luận về những thay đổi và lực lượng lớn nhất đã hình thành kể từ khi Kỷ nguyên châu Á bắt đầu.
Đại dịch toàn cầu xảy ra đã quét sạch hầu như mọi thứ. Các nhà lãnh đạo đã phải xác định lại một loạt các ưu tiên cấp bách mới để đối phó và bắt kịp với tình hình luôn chuyển biến này, từ việc tăng tốc độ số hoá và xác định mục tiêu net-zero về khí thải nhà kính, đến giải quyết các câu hỏi quan trọng về lực lượng lao động.
Để đánh dấu cột mốc 2 năm của Kỷ nguyên châu Á, các nhà lãnh đạo McKinsey đã cùng nhau chia sẻ những quan sát của họ về sự thay đổi lớn nhất kể từ khi Kỷ nguyên châu Á bắt đầu; và sắp tới, những có hội lớn nhất của châu Á sẽ nằm ở đâu?
Sự phục hồi của Châu Á với nhiều tốc độ khác nhau
Đối tác cấp cao – ông Oliver Tonby chia sẻ về sự phục hồi kinh tế của châu Á khi đối mặt với đại dịch.
“Có một thực tế là nỗi lo của các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã thay đổi hoàn toàn vào đầu năm 2020. Vào năm 2019, một đại dịch toàn cầu mà ít ai có thể lường trước đã gây ra cuộc suy thoái kinh tế đầy thách thức cho cả một thế hệ.
Trước đại dịch, kinh tế châu Á được đánh giá sẽ phát triển với tốc độ vô cùng mạnh mẽ. Tuy nhiên, thực tế kinh tế châu Á đã giảm 1,5% vào năm 2020 so với mức giảm 3,2% trên toàn cầu. Trong tương lai, IMF dự báo châu Á có thể tăng trưởng 7,5% vào năm 2021 và 6,4% vào năm 2022, so với mức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu lần lượt là 6% và 4,9%.
Sự phục hồi của của nền kinh tế châu Á đang diễn ra với các tốc độ khác nhau. Một số quốc gia đã chứng tỏ sự phục hồi nhanh chóng trong quý 2, 2021, Hàn Quốc và Indonesia tăng trưởng ở mức 7%; Trung Quốc và Nhật Bản 8%; Malaysia, Philippines, Ấn Độ và Singapore đã ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam ghi nhận sự phục hồi tương đương với thời kỳ trước đại dịch.
Thách thức trước mắt không chỉ ở châu Á mà trên toàn thế giới là tiếp tục chống chọi với sự lây nhiễm COVID, nhưng đồng thời cũng phải đối phó với sự suy thoái kinh tế trầm trọng.
Đại dịch này ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người có thu nhập thấp, đồng thời gia tăng sự bất bình đẳng giới vốn đã ở mức cao ở châu Á. Cụ thể, vào tháng 4/2021, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính rằng, số người sống trong cảnh nghèo đói ở châu lục này đã tăng hơn 170 triệu người vào năm 2020 do hậu quả của đại dịch. Ngoài ra, mặc dù chiếm 39% lực lượng lao động toàn cầu, nhưng 54% số người mất việc do COVID-19 là phụ nữ. Nếu chúng ta thúc đẩy sự bình đẳng nữ giới, giá trị nền kinh tế có thể tăng thêm 4,5 nghìn tỷ đô la, tương đương khoảng 12% GDP hàng năm trên toàn châu Á.”
Những phát triển mới trong mạng lưới khu vực châu Á
Đối tác cấp cao McKinsey - ông Karel Eloot giải thích ba xu hướng mà đại dịch COVID-19 đã mang đến, củng cố mạng lưới và dòng chảy tương lai của châu Á.
“Đầu tiên là “Asia for Asia” (châu Á cho châu Á) – chính là xu hướng “khu vực hoá” không ngừng. Quá trình này và sự chuyển dịch từ thương mại hàng hoá sang thương mại dịch vụ đang diễn ra thực sự nhanh chóng. Để đối phó với đại dịch, các công ty đã đẩy mạnh khu vực hoá và nội địa hoá để nâng cao khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Cụ thể, vào năm 2020, ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Xu hướng thứ hai là số hoá các hoạt động. Trong cuộc khảo sát toàn cầu của McKinsey, khoảng 70% giám đốc điều hành cho biết họ có kế hoạch đẩy nhanh việc áp dụng tự động hoá và trí tuệ nhân tạo. Châu Á cũng không ngoại lệ - năm ngoái, doanh số bán robot công nghiệp ở Trung Quốc đã tăng khoảng 20%.
Xu hướng thứ ba là tầm quan trọng ngày càng cao của việc phát triển bền vững. Trong báo cáo, McKinsey đã phân tích 16 dòng chảy liên quan đến châu Á và nhận thấy chỉ có chất thải là đang giảm. Tính bền vững thậm chí còn trở nên quan trọng hơn trong vài năm gần đây, khi Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều công bố các mục tiêu đạt được mức độ trung tính carbon trong vòng 30 đến 40 năm tới.
Người tiêu dùng cũng quan tâm nhiều hơn đến sự bền vững; khi được khảo sát tại châu Á gần đây, hơn một nửa số người tiêu dùng cho biết họ đã thay đổi sản phẩm và dịch vụ do lo ngại liên quan đến biến đổi khí hậu. Điều này ngày càng ảnh hưởng đến cách các công ty quản lý sản phẩm, dịch vụ và chuỗi cung ứng.”
Mục tiêu bắt buộc đạt net-zero
Chúng ta có thể mong đợi một làn sóng chuyển đổi lớn mạnh và nỗ lực phát triển bền vững trên khắp châu Á trong mười năm tới – Đối tác McKinsey, ông Yuito Yamada giải thích như sau: “Các chính phủ, công ty và người tiêu dùng châu Á đang nhận thấy một sự thay đổi lớn của tính bền vững. Thứ nhất, các chính phủ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã công bố các mục tiêu net-zero và một số quốc gia Đông Nam Á cũng đang cố gắng làm như vậy.
Thứ hai, về phía doanh nghiệp, các lĩnh vực ngành khác nhau đã bắt đầu công bố các mục tiêu đạt net-zero vào năm 2050; các công ty tài chính cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Thứ ba, người tiêu dùng đang bắt đầu thay đổi đáng kể. Chúng ta cũng thấy rất rõ sự thay đổi tiêu dùng đối với đồ nhựa đang diễn ra tại châu Á, xu hướng này sẽ xảy ra nhiều hơn nữa trong cách mọi người ăn uống và mua sắm.”
Người tiêu dùng châu Á sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu như thế nào?
Các doanh nghiệp cần lưu ý gì để nắm bắt một phần cơ hội tăng trưởng tiêu dùng trị giá 10 nghìn tỷ đô la Mỹ trong thập kỷ tới? Đối tác McKinsey – bà Naomi Yamakawa giải thích: “Trong mười năm tới, chúng ta tiếp tục chứng kiến một nền kinh tế rất sôi động. Thị trường tiêu dùng của châu Á sẽ đi đầu về công nghệ. Những chuyển đổi này dựa vào ba sự thay đổi nhân khẩu học và một yếu tố vô cùng quan trọng sau.
Đầu tiên là sự trỗi dậy của nền kinh tế đơn lẻ - sẽ có nhiều hộ gia đình nhỏ độc lập ở châu Á hơn bao giờ hết. Sự nhạy bén trong việc chuyển đổi phục vụ, phương thức cung cấp hàng hoá và dịch vụ, cũng như mở rộng nhu cầu tự chăm sóc cho đối tượng hộ gia đình đơn lẻ này rất quan trọng.
Sự chuyển đổi thứ hai là tác động của thế hệ Z và Millennials. Do sự tăng trưởng dân số khổng lồ tại châu Á sẽ gia tăng sức mạnh chi tiêu trong vòng mười năm tới. Cách những thế hệ này tương tác với các dịch vụ và thương hiệu hoàn toàn khác với thế hệ trước. Để phát triển mạnh, các công ty sẽ cần phải đánh giá lại mô hình kinh doanh, cách xây dựng thương hiệu và giá trị họ mang lại cho những người tiêu dùng mới này.
Tiếp đó là sự già hoá dân số. Châu Á sở hữu dân số rất trẻ nhưng ở những nơi như Bắc Á, những người tiêu dùng trên 60 tuổi lại là thị trường lớn để các doanh nghiệp xem xét. Sự khác biệt là nhóm người tiêu dùng lớn tuổi này đã tiếp xúc và quen với việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số. Chúng ta cần hiểu và có khả năng phục vụ những “Insta-Grannies” và “Insta-Grandpas” này để tạo nên sự bứt phá trong doanh thu.
Cuối cùng đó là trao quyền cho phụ nữ hoạt động kinh tế cũng như ghi nhận khả năng tiêu dùng của họ. Nếu thành công, chúng ta có thể mở ra mức tiêu dùng trị giá 2,2 nghìn tỷ đô la Mỹ chỉ riêng ở châu Á. Với bốn sự thay đổi đang diễn ra này, châu Á tiếp tục là một điểm nóng rất quan trọng trong thế giới tiêu dùng toàn cầu.”
Khả năng phục hồi của khu vực và các cơ hội mới
Ông Wonsik Choi – đối tác cấp cao McKinsey giải thích về cách thức củng cố khả năng phục hồi của châu Á trong vòng 2 năm qua:
“Khả năng phục hồi là điểm đặc trưng của châu Á với tư cách là một khối kinh tế. Châu Á đã chứng tỏ khả năng chống chịu đáng kể trước những cú sốc ngoại sinh trong nhiều thập kỷ; các nền kinh tế đa dạng nhưng bổ trợ lẫn nhau đã mang lại sức mạnh cho chuỗi cung ứng và các hoạt động kinh tế, và những thế mạnh này sẽ tiếp tục thịnh hành trong những năm tới.
Điều đã giúp Châu Á dẫn đầu thế giới chính là sự gia tăng và “xuất khẩu” lực lượng lao động. Các quốc gia châu Á đã sản sinh 76% sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trên thế giới từ 2016-2018, và Ấn Độ là nơi có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính nhất trên thế giới với hơn 200.000 người mỗi năm.
Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn khả năng “xuất khẩu” nhân tài của khu vực này. Mặt khác, đại dịch cũng tạo cơ hội cho các công ty và ngành công nghiệp châu Á này khai thác nguồn lực lao động trong khu vực hiệu quả hơn. Cụ thể, tỷ trọng doanh thu dịch vụ CNTT toàn cầu của châu Á đã tăng từ 25% lên 29% trong thập kỷ qua và tỷ trọng đó có thể tăng hơn nữa với nguồn lực nhân tài dồi dào này.”
Bước nhảy vọt về công nghệ trong tương lai
Tiếp theo, ông Jeongmin Seong chia sẻ ba quan sát về bối cảnh công nghệ của châu Á và điều này có ý nghĩa như thế nào đối với cơ hội đi tắt đón đầu của khu vực.
“Đầu tiên là sự tiếp tục chuyển đổi công nghệ ngay cả trong thời kỳ đại dịch. Nghiên cứu trước đây của McKinsey đã chỉ ra sự chuyển đổi công nghệ đáng kể của châu Á trong thập kỷ qua. Cụ thể, châu Á chiếm hơn 50% tăng trưởng toàn cầu trong chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, và sở hữu hơn 80% các bằng sáng chế trên toàn thế giới.
Xu hướng thứ hai là sự tăng tốc đáng kể của quá trình số hoá. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, khách hàng châu Á đã nhiệt tình chấp nhận các dịch vụ kỹ thuật số, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thấy sự gia tăng mạnh mẽ của các doanh nghiệp thương mại điện tử và giao hàng ở châu lục này. Điều thú vị là trong thập kỷ tới, liệu những thay đổi hành vi do đại dịch gây ra có còn tiếp diễn không. Ví dụ, sự gia tăng của dịch vụ y tế từ xa và làm việc từ xa có thể dẫn đến những thay đổi về cấu trúc trong hành vi của người tiêu dùng.
Xu hướng cuối cùng là sự mở rộng của các dịch vụ kinh doanh công nghệ. Trong 5 năm tới, chi tiêu cho các công nghệ như đám mây, phân tích và AI dự kiến sẽ tăng với tốc độ hơn 20% mỗi năm. Châu Á chiếm hơn 70% sinh viên tốt nghiệp STEM trên thế giới, nguồn nhân lực mạnh mẽ này cho thấy châu Á có tiềm năng lớn để tăng cường đáng kể sự hiện diện của mình.”
Các ưu tiên mới cho chuỗi cung ứng châu Á
Bà Patti Wang, Engagement Manager của McKinsey giải thích thêm về lý do tại sao tương lai của chuỗi cung ứng châu Á lại khả quan.
“Trong bài báo năm 2019 của McKinsey có đề cập, “các dòng chảy và mạng lưới châu Á đang xác định giai đoạn tiếp theo của sự toàn cầu hoá.” Chúng tôi đã quan sát thấy sự thay đổi lớn hơn trong khu vực thay vì toàn cầu. Đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển dịch này, khẳng định mạnh mẽ châu Á sẽ trở thành tâm điểm trong tương lai của thương mại toàn cầu.
Trong 20 năm qua, thương mại đã tăng trưởng ở mức 3,5 lần GDP. Tuy nhiên, trong năm 2020, hệ số này đã giảm xuống 1,0 lần. Sự suy giảm tổng thể về cường độ thương mại đã có những tác động khác nhau đến các hành lang thương mại.
Để đạt được khả năng phục hồi cao hơn, các quốc gia sẽ cần phải điều chỉnh lại chính sách, trong khi các doanh nghiệp sẽ cần xem xét lại cấu hình chuỗi cung ứng của mình để tránh những cú sốc trong tương lai. Xây dựng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng có thể có nhiều hình thức khác ngoài việc chỉ di dời sản xuất, với một số lựa chọn cần xem xét là tăng cường khả năng quản lý rủi ro, cải thiện tính minh bạch hoặc xây dựng khả năng phục hồi trong mạng lưới nhà cung cấp và hệ thống vận tải. Một trong những điều khác mà nhiều công ty đang làm là số hoá, nhưng tốc độ có thể rất khác nhau.
Tương lai của chuỗi cung ứng châu Á rất tươi sáng, nhưng chỉ khi chúng có khả năng phục hồi. Đáng chú ý, đại dịch đã bộc lộ tính dễ bị “tổn thương” của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về nhu cầu, cuộc khủng hoảng đang làm thay đổi bối cảnh chiến lược của chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau theo những cách khác nhau. Một số ngành công nghiệp, chẳng hạn như hàng không có thể phải đối mặt với viễn cảnh nhu cầu bị kìm hãm trong thời gian dài. Mặt khác, các lĩnh vực như hàng tiêu dùng nhanh và vật tư y tế đang chạy đua để duy trì nhu cầu cao trong giai đoạn đại dịch.
Về phía nguồn cung, ngay cả ở những quốc gia đang dần phục hồi thì sự đứt gãy vẫn tồn tại. Trong một cuộc khảo sát gần đây của McKinsey về các nhà sản xuất ở châu Á cho thấy các công ty vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nguyên liệu đột ngột.
Trong tương lai, thương mại toàn cầu có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn.”
Nguồn: McKinsey
Bài: Hương Trần – Marcom Columnist
Commenti