top of page
Ảnh của tác giảHải Âu

Kính mắt - ngôn ngữ của cái đẹp được kết tinh từ nhiều lĩnh vực

Chẳng phải gì ghê sớm, chỉ là một vài mẩu chuyện nhỏ về kính mắt!


Nói một cách đơn giản, cấu tạo của một chiếc kính mắt gồm hai phần: gọng và tròng kính. Phức tạp hơn, tròng kính là lịch sử xen kẽ của hai ngành: quang học và nhãn khoa. Còn gọng kính được kết tinh bởi thời trang, công nghệ vật liệu và kỹ thuật chế tác.


Chúng ta sẽ không đi ngược 2000 năm để tìm hiểu những chiếc kính mắt đầu tiên của nhân loại được làm bởi sừng, ngà hay gỗ. Và cũng chẳng tua ngược lịch sử về Đế chế La Mã để chứng kiến các thấu kính đầu tiên được phát minh và sử dụng bởi các thầy tu nhằm đọc được những ký tự nhỏ bé.


Chỉ cần biết rằng, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, những anh chàng phi công Mỹ, những Top Gun, với chiếc áo Bomber da cùng mẫu kính Ray-ban Aviator đã trở thành biểu tượng tuyệt đối cho khí chất và sự nam tính. Sự bùng nổ của ngành công nghiệp truyền hình đã góp phần lớn trong việc đưa thứ phụ kiện chuyên dụng kia vượt qua mọi biên giới, trở thành một phần không thể thiếu của một con người đường hoàng. Các hãng kính đều khó bỏ qua cơ hội béo bở này.


Mạnh mẽ nhất có lẽ là Oliver Peoples, với lợi thế khai sinh ngay tại Hollywood. Kế đến là Persol mà nổi trội nhất có lẽ là serie huyền thoại 007.


Kính mắt quả là một mảng đất màu mỡ, thu hút không chỉ các nhà thiết kế thời trang. Khá bất ngờ khi nhiều hãng kính tên tuổi lại có người sáng lập ban đầu là kiến trúc sư như Lindberg (Đan Mạch), Komorebi (Bỉ), Lapima (Brazil)... Có người chỉ sử dụng các đường nét đơn giản, không rườm rà, không hoa mỹ. Kẻ khác lại chọn cách thu nhỏ những họa tiết của kiến trúc vào trong từng gọng kính. Dù có thế nào, kính mắt và kiến trúc có lẽ cũng có cùng chung một thứ tiếng: ngôn ngữ của cái đẹp.


Các dáng kính cũng thi nhau ra đời và chiếm lĩnh một phần lịch sử cho riêng mình. Chúng ta đang ở trong thời đại các gọng kính vuông đang thịnh hành. Việc đeo một gọng kính tròn giống như đang đi ngược lại với phần đông của xã hội. Như chính những chiếc kính gọng vuông kia cũng từng bị ghẻ lạnh ở thời điểm mới ra mắt. Nên nếu có thể phán xét thời trang bằng một con mắt rộng lượng hơn, ta sẽ thấy mình quả thật may mắn, khi mà thời điểm này, sự sáng tạo và thẩm mỹ của con người trong kính mắt đã đạt tới đỉnh cao. Sẽ không chỉ là vuông hay tròn, vuông và tròn đều có vô số biến thể, đủ mọi kích cỡ và tỷ lệ. Người ta cố gắng phá cách mà không nhận ra đã bước vào vòng lặp của thời trang.


Công nghệ vật liệu và kỹ thuật chế tác cũng đã đạt đến giới hạn nếu không tính những nguyên tố mới. Sẽ không chỉ là gỗ, sừng, ngà, da thuộc như thời Trung Cổ. Acetate có lẽ xứng đáng là thứ vật liệu thay đổi cả ngành kính mắt. Có nguồn gốc từ sợi bông, không gây kích ứng da, đa dạng về màu sắc, hoạ tiết, dễ gia công, dễ nắn chỉnh. Người ta có lẽ phải rất lâu sau mới tìm được thứ vật liệu nào thay thế hoàn toàn được Acetate. Kim loại thì từ thép, titan, aluminum cho tới các kim loại quý như đồng, bạc, vàng hay bạch kim đều bị khuất phục dưới sự tiên tiến của công nghệ chế tác ngày nay.


Như lời đề, chẳng có gì ghê gớm!


Bài: Hải Âu - Style Columnist

댓글


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page