“Huyền thoại” Geneva Seal vs. thương hiệu Roger Dubuis - mối liên kết đẳng cấp
Trong những năm trở lại đây, sự phát triển vượt bậc của các thương hiệu đồng hồ cao cấp ngày càng rõ rệt, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường, Ngoài những so sánh về mặt doanh số và hiệu quả truyền thông, các chứng nhận về đồng hồ đã trở thành một tiêu chí không thể thiếu khi xét đến sự khác biệt giữa các thương hiệu với nhau. Tuy nhiên, chỉ những chuyên gia trong ngành mới có cái nhìn chính xác và chi tiết nhất về ý nghĩa của những chứng nhận trên, trong khi giới mộ điệu và các nhà sưu tầm vẫn còn đôi chút mơ hồ.
Geneva Seal và Roger Dubuis
Mọi người đều biết rằng Geneva Seal (hay Poinçon de Genève) là tiêu chuẩn đồng hồ lâu đời dành cho những chiếc đồng hồ có chất lượng tốt nhất, nhưng ít ai hiểu được vai trò của Geneva Seal đối với Haute Horology là gì và những gì chứng nhận này mang lại cho người sở hữu của mình cũng như cách thức để đạt được. Bài viết này sẽ phân tích cụ thể nguồn gốc và những tiêu chí để đạt Geneva Seal dưới góc nhìn của một trong những thương hiệu gắn liền với chứng nhận này – Roger Dubuis
Được thành lập tại Geneva, Roger Dubuis được biết đến là một trong những thương hiệu đồng hồ tiên phong với phong cách táo bạo và không ngại thử thách. Sở hữu những thiết kế độc đáo với chất liệu tân tiến và bộ máy tương đối phức tạp, tuy nhiên Roger Dubuis vẫn luôn giữ được tính truyền thống trong chế tác của mình, đảm bảo cân bằng về yêu cầu chế tác.
Điều khiến Roger Dubuis thật sự khác biệt không chỉ nằm ở thiết kế mạnh mẽ riêng biệt của mình, mà là sự kết hợp giữa yếu tố đương đại và những công nghệ tiên tiến của thời đại, dù có sự khác nhau về mặt lý tưởng nhưng đã được những nghệ nhân bậc thầy của thương hiệu hoàn thành xuất sắc. Ngoài ra, chất lượng và hiệu năng luôn là 2 yếu tố mà Roger Dubuis đặt lên hàng đầu khi bắt đầu chế tác một chiếc đồng hồ, vì vậy, khác biệt với những thương hiệu còn lại, tất cả những tác phẩm của Roger Dubuis đều có chứng nhận Geneva Seal danh giá.
Nguồn gốc lịch sử của Geneva Seal
Vào cuối những năm 1800, Hallmark of Geneva ban đầu được hình thành với một mục đích rõ ràng: để chứng mình chất lượng vượt trội của những chiếc đồng hồ được đầu tư nghiêm túc trong khâu sản xuất tại khu vực. Là vùng đất sản sinh vô số những cỗ máy thời gian đặc biệt nổi tiếng, vì vậy danh tiếng “Geneva made” đã bị lạm dụng bởi những nhà sản xuất đồng hồ kém chất lượng nhằm đánh bóng tên tuổi, từ đó làm mất uy tín của tên gọi quý giá trên.
Vì vậy, các nhà chế tác đồng hồ đã kêu gọi sự trợ giúp từ quốc hội và Bang Geneva để siết chặt các điều kiện liên quan đến thuật ngữ “Geneva made”. Ngày 6 tháng 11 năm 1886, Hallmark of Geneva, một chứng nhận độc lập về chất lượng, được thành lập. Tổ chức bao gồm một văn phòng để kiểm tra chất lượng và hiệu năng của đồng hồ, nếu đạt yêu cầu sẽ được đính dấu hiệu chính thức của Canton trên đồng hồ và bộ máy.
Tóm lại, Hallmark Of Geneva là một chứng nhận hoàn toàn độc lập giúp nhận biết và tôn vinh những chiếc đồng hồ có chất lượng xuất sắc. Và đương nhiên, để đạt được đòi hỏi phải trải qua một loạt các bài kiểm tra nghiêm ngặt không ngừng thay đổi và nâng cao theo thời gian. Ngày nay, Geneva Seal được điều hành bởi Tổ chức Timelab. Chúng ta hãy cũng tìm hiểu những yêu cầu của chứng nhận này và cách Roger Dubuis đặt được chúng.
Những yêu cầu đối với Geneva Seal
Tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất: “Chỉ các bộ máy đồng hồ cơ học được chế tác dựa trên các phương pháp tốt nhất tuân thủ các tiêu chuẩn dành cho “Poinçon de Genève” mới được xem xét. Việc lắp ráp, điều chỉnh và hoàn thiện bộ máy sẽ phải được thực hiện tại Bang Geneva. Người nộp đơn xác nhận đăng ký với Cơ quan Đăng Ký Thương mại của Bang Geneva.”
Quy định rõ ràng là phải tập trung sản xuất tại Geneva – điều này giải thích tại sao một số công ty lớn đã mua các xưởng sản xuất hoặc chuyển đến các “cơ sở đối tác” để chế tạo các bộ máy đạt chuẩn Geneva Seal của riêng họ.
Cụ thể hơn, các bước sau đây bắt buộc phải diễn ra trong quá trình sản xuất tại Geneva:
Lắp ráp – lắp ráp tất cả các chi tiết cấu thành nên bộ chuyển động
Điều chỉnh – lắp, khởi động và tinh chỉnh các cơ quan trong bộ máy
Bộ vỏ - lắp mặt số và kim chỉ giờ, đặt và cố định bộ máy bên trong bộ vỏ đồng hồ. Mỗi bộ máy và bộ vỏ đều phải được đánh số riêng.
Ngoài ra, để đạt được Poinçon de Genève còn đòi hỏi việc tuân thủ các bước bổ sung sau:
Sự chấp thuận (đến từ Timelab – nơi quản lý chứng nhận Geneva Seal) đối với bộ máy, các mô-đun bố sung và các chi tiết bên ngoài.
Phải có con dấu của Geneva Seal
Giấy phép chứng nhận đối với bộ máy, mô-đun bổ sung và các thành phần bên ngoài
Giấy chứng nhận trên từng chiếc đồng hồ
Một bản in của chứng nhận đồng hồ
Vì vậy, bất kể khi nào Roger Dubuis muốn có một bộ máy của thương hiệu được chứng nhận Geneva, họ phải gửi các bản vẽ kỹ thuật, tất cả các bộ phận chuyển động, một bộ chuyển động đã lắp ráp, cũng như những chi tiết bên ngoài phần vỏ cho Timelab. Từ đây, tổ chức sẽ kiểm tra và phê duyệt thiết kế cũng như chất lượng hoạt động và giữ các bộ phận và chi tiết được gửi như một tài liệu tham khảo hoặc “bản sao chính”
Đã có những lời chỉ trích không chính xác và thiếu cơ sở đối với Geneva Seal. Và để đáp lại, vào kỷ niệm 125 năm thành lập, các tiêu chí của chứng nhận đã được cập nhật đáng kể. Trước đó, Geneva Seal chỉ chứng nhận chất lượng hoàn thiện của bộ máy mà bỏ qua độ chính xác của thời gian hoặc chất lượng của các thành phần khác – như mặt số hoặc bộ vỏ. Vì vậy, năm 2011, danh sách các yêu cầu đã được thay đổi đáng kể bao gồm độ chính xác, khả năng dự trữ năng lượng, độ chống nước và các bài kiểm tra hiệu năng của đồng hồ.
Một chiếc đồng hồ đạt chuẩn Geneva Seal
Các yêu cầu của Hallmark of Geneva phân tích rất chính xác tất cả các bộ phận đơn lẻ được sử dụng trong một bộ máy đồng hồ. Đầu tiên và quan trọng nhất, các thành phần được làm bằng polyme không được phép sử dụng trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Timelab có đề cập rằng “bất cứ lúc nào các tiêu chí cũng có thể được điều chỉnh theo sự phát triển của các vật liệu mới trong sản xuất đồng hồ”. Vì vậy, mặc dù về cơ bản bất kỳ vật liệu nào cũng có thể được dung làm bộ vỏ - nhưng chỉ có một số vật liệu truyền thống được chấp nhận. Tất nhiên, các thành phần polyme không bao gồm thép, đồng thau mà rhodium – vì vậy những vật liệu này và tất cả các vật liệu truyền thống khác có thể được sử dụng để chế tác.
Ngoài ra, phần lớn bộ máy phải đạt những yêu cầu sau:
Các góc cạnh được cắt vát và đánh bóng
Các cạnh bên được làm sần
Phải sử dụng vân tròn hoặc các phương thức hoàn thiện khác để không còn dấu vết của việc sử dụng phương tiện máy móc
Mặt cầu nối phải được làm mịn
Các đường vát được đánh bóng trong các lỗ và hốc
Đánh bóng chìm cho các lỗ chân kín
Ngoài ra,
Đầu ốc vít phải được đánh bóng hoặc tạo hạt tròn với các cạnh và rãnh được mài vát
Sử dụng màu sắc phù hợp
Phần đuôi của chân ốc phải được đánh bóng và không có dấu vết tách rời
Đầu trục bánh răng cũng phải được đánh bóng
Những bộ phận không được liệt kê cũng phải đảm bảo yêu cầu cụ thể của bộ máy
Điều này có nghĩa rất nhiều thời gian và tâm huyết phải bỏ ra để đảm bảo rằng tất cả các bộ phận được sản xuất và hoàn thiện theo các yêu cầu nghiêm ngặt của Geneva Seal. Chính xác thì cần đầu tư bao nhiêu để tạo ra một bộ máy đạt chuẩn Geneva Seal thay vì chỉ là một bộ máy “chất lượng cao”? Giám đốc bộ phận phát triển và nghiên cứu của Roger Dubuis chia sẻ: “Việc hoàn thiện thủ công được thực hiện trên tất cả các bộ máy khiến giá trị cuối cùng đắt hơn 50% so với những bộ máy không được chứng nhận”.
Hình ảnh ở trên miêu tả chắc chắn là một trong những công đoạn yêu cầu hoàn thiện chi tiết nhất của Geneva Seal: đánh bóng các bánh răng và trục. Đây là những việc cần phải làm:
Phải được vát cạnh trên và dưới, với bánh răng dày dưới 0.15mm thì chỉ cần vát một cạnh
Khay bánh răng cũng phải được vát cạnh
Rìa, lỗ trên bánh răng cũng cần được vát cạnh
Mặt tiếp xúc của trục phải được đánh bóng, các phần khác phải loại bỏ dấu vết máy tiện
Phần đầu trục phải được loại bỏ dấu vết máy tiện, nhưng vẫn phải giữ được mặt phẳng thay vì làm tròn.
Điều kiện quan trọng nhất của Geneva Seal đó là không được phép có một linh kiện nào vẫn còn dấu vết gọt dũa của phương tiện máy móc. Khi quan sát bộ máy qua mặt đáy thông qua lớp kính Sapphire (hoặc với nhiều chiếc Roger Dubuis là cả ở mặt trước), tất cả những chi tiết nhỏ bé đó sẽ góp phần làm tăng trải nghiệm và sự ấn tượng của người dùng.
Tiếp theo đến chi tiết bên trong bộ máy – trái tim của chiếc đồng hồ cần có những yêu cầu:
Với bộ máy có đường kính lớn hơn 18mm, độ dày của bánh xe gai không được vượt quá 0.16mm và những gai trên bánh răng phải được đánh bóng
Với bộ máy có đường kính nhỏ hơn 18mm, độ dày của bánh xe gai không được vượt quá 0.13mm và những gai trên bánh răng phải được đánh bóng
Bánh xe cân bằng được căn chỉnh bằng quả nặng “được phép sử dụng” – đây là điều khá thú vị, khi cơ chế này vốn được coi là cao cấp hơn so với việc điều chỉnh bằng vặn vít ở cầu nối bánh xe cân bằng.
Cần chú ý rằng việc lắp ráp bánh xe cân bằng vào trục có thể được thực hiện ngoài Geneva, và đây cũng là bộ phận được làm bên ngoài nhiều nhất.
Tiếp đến là công đoạn chế tạo bộ vỏ, vì từ năm 2011 thì Geneva Seal đã thiết lập yêu cầu lên từng chiếc đồng hồ cụ thể, thay vì chỉ bộ máy. Vì thế, những linh kiện kết nối máy đến vỏ và mặt số cũng phải được hoàn thiện theo những tiêu chí giống như bộ máy đồng hồ. Nói chung, tất cả các linh kiện phải được cắt vát, đánh bóng giống như chiếc đồng hồ mẫu đã được đăng ký.
Danh sách tiêu chuẩn đã được cập nhật thêm về độ chính xác, khả năng chống nước, thời lượng cót và tính năng chung của chiếc đồng hồ. Độ chính xác được kiểm tra trong 7 ngày liên tục trên một cỗ máy mô phỏng chuyển động tay người. Chiếc đồng hồ sẽ xoay một vòng mỗi phút trong 14 giờ, sau đó dừng 10 giờ ở vị trí bất kỳ. Hết thời hạn 7 ngày, vị trí kim phút sẽ được so sánh với lúc bắt đầu bài kiểm tra, và sai số tối đa là 1 phút.
Độ chống nước phải được kiểm tra ở áp suất nhỏ nhất 3ATM, sau đó được thử trên một chiếc máy bay bay ở độ cao 10,000m trên mặt nước biển. Trong trường hợp chiếc đồng hồ không có khả năng chống nước, nó phải được hiển thị rõ trong tờ chứng nhận.
Sau khi tất cả các điều kiện đều được đáp ứng, chiếc đồng hồ được nhận chứng nhận Geneva Seal. Mỗi giấy phép đó sẽ đi kèm với một số Serial riêng biệt, và trong đó có hiển thị số Serial của vỏ và bộ máy.
Bài: Navigator Media
Comments