top of page
Ảnh của tác giảVương An Nguyên

Họa sĩ Trần Đán - sự chồng chập của các đối nghịch & nỗi băn khoăn về thế giới


"Sự chồng chập của các đối nghịch" là triển lãm Ý niệm giàu khơi gợi về băn khoăn lớn của thời đại từ Vật lý đến nghệ thuật.


Sự hoà hợp kỳ diệu giữa 8 hình tròn trên chóp tam giác


Ngày nay, các phát kiến của ngành vật lý lượng tử đã đẩy con người dần vào những cuộc khám phá, cuộc lật đổ về các tư duy cố hữu liên quan đến thế giới vật chất. Khoa học hiện thời đã không còn tin tưởng vào một chân lý tuyệt đối và thống nhất, và chiều hướng băn khoăn về thế giới của ngành khoa học tự nhiên như vật lý quả thật cũng đã xảy ra ở cả thế giới nghệ thuật từ lâu. Vì vậy có lẽ Hoạ sĩ Trần Đán với những chiêm nghiệm tự thân của anh trong loạt tranh “Sự chồng chập của các đối nghịch" cũng đi theo xu hướng chất vấn về thực tại này. Trong đó loạt tranh mới của anh đã tiết lộ cho chúng ta cách thức mà nghệ thuật theo Trần Đán thì có thể khơi gợi những quan điểm gì về thế giới vật chất - cảm xúc - tư tưởng.



Trước khi là hoạ sĩ, Trần Đán vốn là một kỹ sư điện tử y khoa, nhưng ông đã luôn đồng thời là một con người với tầm hồn yêu mến nghệ thuật, chính điều này cũng cho chúng ta thấy thế giới quan giàu “chồng chập" của ông. Quả thật, chính người hoạ sĩ này cũng chia sẻ loạt tranh lần này là cố gắng của chính anh trong việc hiện thực hoá những băn khoăn về thế giới vật chất thường hằng này, rằng ngoài vật chất trơ lì, con người vốn còn sống trong thế gian cảm xúc và tư tưởng nữa.


Sự chênh vênh của 4 hình chữ nhật trên chóp tam giác


Và để biểu đạt ý niệm có tính đan cài và nhiều khi mâu thuẫn theo logic thông thường này, Trần Đán đã viện đến quan điểm mà Marcel Duchamp từng nói: “Hãy làm nghệ thuật cho tư duy, không cho con mắt”. Chia sẻ trên dường như đã tiết lộ cho chúng ta thấy điều mà ông muốn truyền tải đến người xem tranh: là các sức mạnh thuộc về bản thân thế giới tinh thần, tâm hồn hơn là những hình ảnh/ bóng thoáng qua của sự vật.


Sự bất ổn của hình chữ nhật trên chóp hình tam giác, số I



Loạt tranh của Trần Đán thông qua sự nhập nhoà mảng màu, hình khối dường như cũng tự thân khơi gợi đến một thế giới vượt ngoài các đối chiếu, hay hiểu biết đơn thuần của chúng ta về cõi vật chất bình thường. Thậm chí các bức tranh còn đang nói rằng có gì đằng sau sự thật về cách con người tư duy, hay xúc động mà tâm trí thường nhật đã che đậy đi.


Sự cân bằng bí ẩn giữa 6 hình tròn trên hình tam giác



Một hình tam giác hai thế giới




Sự tiệm cận vô vọng giữa hình chữ nhật & hình tam giác


Những khối tam giác đa tầng, hình vuông dường như nặng nề và góc cạnh của chúng cỗ giữ chúng cân bằng trên những đường thẳng mỏng manh, tổng thể như những chiếc cân chờ trực gãy đổ để chìm vào miên man các lớp sắc màu nhiều khi đối chọi. Đó là những phản ứng lập tức ngay trong tâm trí của đại đa số khách đến tham dự triển lãm của Trần Đán lần này, nhiều người đã thực sự băn khoăn về sự cân bằng tạm thời của thế giới sau khi xem các bức tranh.


Đa thế giới của hình chữ nhật



Cuộc đối thoại giữa hình xoắn & hình chữ nhật


Khi được hỏi về ý tưởng trong các ý niệm lần này, Trần Đán chia sẻ: "Như các bạn biết, nghệ thuật ý niệm đòi hỏi ta phải có một ý niệm trước rồi mới bắt tay vào diễn đạt nó bằng một tác phẩm. Về hình thức, tôi đã khai thác các thuộc tính hình học của các hình kỷ hà cơ bản như sự trơn tru của hình tròn, điểm nhọn của hình tam giác, góc 90 độ cứng cáp của hình chữ nhật. Về sau có thêm hình xoắn, hình sóng, Dĩ nhiên hình tam giác lý tưởng để tạo sự liên tưởng đến một cán cân. Hình chữ nhật làm liên tưởng đến những gì cứng cỏi, nhưng khi được đặt vào một bố cục nào đó, lại dễ nghiêng ngã và đổ vỡ. Hình tròn làm ta liên tưởng đến những gì mềm mại, không căng thẳng. Một cách trừu tượng, mỗi hình kỷ hà đó có thể biểu tượng cho một thể chất, một cảm xúc hay một ý tưởng nào đó. Hơn nữa, hoặc do bản chất của nó, hoặc do mối tương quan của nó với các hình khác trong tranh, các hình kỹ hà sẽ nói lên điều gì đó về cái thuộc tính cơ bản của thế giới bên ngoại cũng như bên trong ta mà theo tôi là sự "chồng chập của các đối nghịch" (chồng là chồng lấn, chập là chập vào, theo từ tiếng Anh là superposition).



Và Trần Đán cũng nhấn mạnh rằng, trong ý niệm lần này, điều ông muốn truyền tải nhiều nhất là hành trình khám phá thế giới cảm xúc vốn luôn ảnh hưởng chính đến nhận thức mọi sự việc của con người. Ông nghĩ con người thường liên tưởng “Hình kỷ hà như biểu tượng của các cảm xúc khác nhau. Ví dụ hình chữ nhật biểu tượng cho nỗi buồn và hình tam giác cho cảm xúc đối nghịch là niềm hân hoan. Có phải tất cả chúng ta đều đã có lúc cảm thấy vui buồn lẫn lộn? Hay yêu ghét lẫn lộn? Hay hi vọng và tuyệt vọng đan xen? Như khi nhà soạn nhạc Dương Thụ nói, "Tôi mơ... không có mất mát, không có đổ vỡ, không có chia tay. Điều đó không bao giờ, tôi biết, không bao giờ. Nhưng tôi vẫn mơ."


Sự bất ổn của hình chữ nhật trên chóp hình tam giác, dưới sự quan sát của hình tròn


Khách dự triển lãm


Điều gì nằm trong “giấc mơ" của Trần Đán, có lẽ là giấc mơ mà bất kỳ con người nào cũng mơ và tưởng tượng đến, mơ về một nơi bình yên mà mọi người ở bên nhau chẳng bao giờ rời xa hay đổ vỡ, dẫu ai cũng biết điều đó không thể có trong cuộc đời vô thường. Nhưng sự thực, con người vốn đã đấu tranh suốt lịch sử của chính mình cho những lý tưởng, ao ước nhiều khi phù phiếm về chính sự công chính, quê hương - dân tộc, tình yêu. Hay nói cách khác, chính vì con người có cảm xúc trần gian và tâm trí luôn hướng về những điều đẹp đẽ dẫu dễ mất đi ấy mới khiến con người trở thành một sinh linh hữu tình.


Hoạ sĩ Hà Mạnh Thắng & Bùi Viết Bằng


Thậm chí, Trần Đán còn đẩy những ý tưởng về “sự bình yên" của con người sang một chiều băn khoăn khác: “Phải chăng những tư tưởng sáng tạo đồng thời hàm chứa yếu tố tái sinh nhân bản lẫn yếu tố hủy diệt? Ví dụ phát hiện của bà Marie Curie về phóng xạ vừa mang yếu tố tái sinh nhân bản trong xạ trị các bệnh ung thư và đồng thời mang yếu tố hủy diệt của bom hạt nhân. Về mặt văn hóa, chính trị, kinh tế, nghệ thuật, cũng thế, trong các thời kỳ quá độ, các tư tưởng ở trạng thái chồng chập nhau, chênh vênh giữa cân bằng và hỗn loạn”. Những vấn đề giàu tính phản tư này của hoạ sĩ thực sự là những nan đề hiện sinh của cả cõi người. Bởi con người vốn không thể nhìn thấy tất cả mọi kết quả hay hệ quả từ sự phát triển của chính bản thân họ, đôi khi có thứ ta tạo ra tưởng là hạnh phúc song lại chứa chứa hạt giống cho đau buồn nảy nở.


Được biết Trần Đán đã theo đuổi ý tưởng cho triển lãm “Sự chồng chập của đối nghịch" suốt hơn nửa thập niên. Anh chia sẻ “lẫn nội dung (về sự mông lung, bất ổn của thế giới ngoại vật và nội tâm) đã thai nghén gần 5 năm nay trong hình dạng phôi thai. Phải mất nhiều thời gian để diễn đạt đúng những ý niệm phức tạp qua một hình thức tối giản. Không như vẽ chỉ để biểu hiện cảm xúc. Không lạ gì mà phải mất 4 năm mới để hoàn thiện 10 bức đầu (loại đi 10 bức không đạt tiêu chuẩn) và 1 năm để ra 10 bức tiếp”. Khoảng thời gian mà hoạ sĩ đã dành để suy tư và sáng tác để cho ra các tác phẩm cho triển lãm lần này không ngắn cũng không dài, song đã đủ để thể hiện anh là một người theo đuổi nghệ thuật tận tâm và giàu trăn trở.


Sau thời gian triển lãm, đại đa số các phản hồi của công chúng đều là những tín hiệu vui dành cho các tác phẩm và nghệ sĩ Trần Đán. Những người đến thưởng lãm tranh của anh đến từ đa dạng nhiều ngành nghề, từ doanh nhân đến nhà văn, nhà thơ, người công tác trong ngành giáo dục đến cả học sinh. Mỗi người trong số họ đã chia sẻ tới Trần Đán những suy tư, mối bận tâm rất khác nhau về nghệ thuật, cũng như chính loạt tranh lần này của anh. Trần Đán vui vẻ kể về một cuộc gặp gỡ “Đặc biệt có cả các cô giáo đưa lớp mầm non của mình đến xem tranh trừu tượng, một sự kiện tương đối khá hiếm tại Việt Nam. Qua theo dõi, tôi nghe các cháu và thầy cô bàn tán rất sôi nổi về hình khối và màu sắc, một bước đầu đầy hứa hẹn”.


Lớp Bình An, trường mầm non Golden Kids


Như thế thành công của loạt tranh “Sự chồng nhập của các đối nghịch" của Trần Đán không chỉ tới từ giới chuyên môn, mà đặc biệt là còn từ những phản hồi của công chúng. Sự quan tâm của đông đảo khách thưởng lãm đến từ đa dạng ngành nghề, độ tuổi có lẽ không chỉ khích lệ người nghệ sĩ Trần Đán nói riêng, mà còn cổ vũ những nghệ sĩ trẻ về một tương lai mà đại chúng Việt Nam ngày càng quan tâm đến hội hoạ. Cũng như hiện đang có những dấu hiệu tích cực cho thấy ngành giáo dục tại Việt Nam đang dần quan tâm đến việc cho con trẻ tiếp xúc nghệ thuật từ sớm. Nhất là khi sự hấp dẫn của loạt tranh lần này của anh có lẽ còn đến từ việc chúng đẩy cao các băn khoăn lớn về thế giới vật chất, tư tưởng hay cảm xúc... hiện đang ảnh hưởng rộng rãi khắp thế giới.


Bài: Vương An Nguyên - Art Columnist


Comments


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page