top of page

Họa sĩ biểu tượng Frida Kahlo - hành trình nghệ thuật chạm khắc nỗi đau đầy can đảm


Họa sĩ biểu tượng (iconic) người Mexico Frida Kahlo sinh ngày 6 tháng 7 năm 1907. Năm 6 tuổi, Frida bị bệnh bại liệt, hậu quả là chân phải bị teo khiến cô được các bạn cùng lớp đặt cho biệt danh “Frida la coja” (Frida què). Năm 1925, Kahlo 18 tuổi, chiếc xe bus chở cô đi học về bị tai nạn. Các bác sĩ tại bệnh viện nơi Kahlo được đưa vào không nghĩ rằng cô sẽ sống sót: cột sống gãy 3 chỗ, xương chậu dập nát, chân và bàn chân phải vỡ vụn. Vô số ca phẫu thuật mà cô phải chịu đựng trong nhiều năm chỉ mang lại sự giảm đau tạm thời. “Trong bệnh viện,” Kahlo nói, “cái chết nhảy múa quanh giường tôi vào ban đêm.”


Nằm liệt giường suốt ba tháng, cô nhớ lại: “Không suy nghĩ gì cả, tôi bắt đầu vẽ.” Mẹ cô đặt mua một giá vẽ di động và gắn một chiếc gương ở cuối giường để cô có thể làm người mẫu cho chính mình. Ba năm sau, năm 1928, Kahlo gặp danh họa Diego Rivera. Cặp đôi kết hôn ngày 21 tháng 8 năm 1929. Cha mẹ cô mô tả sự kết hợp là “cuộc hôn nhân giữa một con voi và một con chim bồ câu”. Họ là một cặp không thể tin được.


Là nghệ sĩ nổi tiếng nhất Mexico, Rivera cao 1,85m và nặng 136kg. Kahlo kém ông 21 tuổi, cao 1,6m và nặng 44,4kg. Rivera thô kệch vụng về và hơi dị dạng, còn cô quyến rũ đến mê hồn. Cuộc tình của họ đầy sóng gió. Kahlo kết hôn hai lần, ly hôn một lần và ly thân vô số lần, cô còn có nhiều cuộc tình và có mối quan hệ với những nhân vật nổi tiếng như nhà văn André Breton, nhà điêu khắc Isamu Noguchi, nhà cách mạng Nga lưu vong Leon Trotsky… Cuộc đời Frida Kahlo diễn ra như một cuốn phim siêu thực.


Theo thời gian, phong cách hội hoạ đặc trưng của Kahlo bắt đầu xuất hiện. Sự tàn tật và nỗi đau khổ của cô được truyền tải một cách sinh động qua nhiều bức tranh tự hoạ, đôi khi cô vẽ mình khỏa thân và khóc lóc trên chiếc giường đẫm máu. Vẽ đi vẽ lại chủ đề ấy, dường như cô muốn xua đuổi một hoài niệm tàn khốc qua hành động vẽ tranh.



Năm 1938, triển lãm cá nhân đầu tiên của Kahlo được tổ chức tại Gallery Julien Levy, một trong những địa điểm ở Mỹ quảng bá nghệ thuật siêu thực. Trong danh sách khách mời khai mạc có nữ hoạ sĩ Georgia O’Keeffe, người mà Kahlo hâm mộ. Khi Kahlo đến Pháp, Marcel Duchamp đã giúp cô làm triển lãm. Bảo tàng Louvre mua một bức chân dung tự họa, tác phẩm đầu tiên của một nghệ sĩ Mexico thế kỷ 20.


Tại triển lãm, Wassily Kandinsky đã xúc động hôn lên má Kahlo, còn Pablo Picasso tặng cô đôi hoa tai mà cô đã đeo để vẽ một bức chân dung tự họa. Picasso viết cho Rivera: “Cả Derain, tôi và anh đều không có khả năng vẽ một cái đầu như của Frida Kahlo.” (Neither Derain, nor I, nor you, are capable of painting a head like those of Frida Kahlo).


Suốt cuộc đời, Kahlo chỉ vẽ khoảng 200 bức tranh - chủ yếu là tĩnh vật và chân dung. Với những kỹ thuật học được từ cả chồng và cha - một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, cô đã tạo ra những bức tranh gợi cảm và đầy ám ảnh, kết hợp các yếu tố siêu thực, giả tưởng và văn hóa dân gian thành những câu chuyện kể kỳ lạ.


Trong các chân dung tự họa, cô hình dung mình được bao quanh bởi những chú khỉ, mèo và vẹt giữa thảm thực vật, gợi nhớ những tác phẩm của Henri Rousseau. Trái ngược với xu hướng trừu tượng của thế kỷ 20, tác phẩm của cô mang tính trình hiện một cách kiên định.


Janet Landay, người tổ chức triển lãm tác phẩm Kahlo năm 1993, nói: “Kahlo coi trải nghiệm cá nhân của phụ nữ là chủ đề nghiêm túc cho nghệ thuật, nhưng với nội dung cảm xúc mãnh liệt, tranh của cô vượt qua lằn ranh giới tính.” Mặc dù phần lớn cuộc đời Frida Kahlo bị chi phối bởi trạng thái thể chất suy nhược và rối loạn cảm xúc, khả năng sáng tạo nghệ thuật và khiếu hài hước của cô không ngừng toả sáng. Chỉ vài ngày trước khi qua đời, cô đã viết dòng chữ “Viva La Vida” (Cuộc sống vui tươi) lên bức tranh tĩnh vật của mình.


**


Tác phẩm “Hai khỏa thân trong rừng” (Two nudes in a forest) còn có tên là “Trái đất” hay “Y tá của tôi và tôi”, là một trong những tác phẩm hấp dẫn nhất của Frida Kahlo. Đây là một bức tranh sơn dầu có kích thước 25cmx30,5cm, vẽ năm 1939, có sự khác biệt đáng chú ý so với những bức chân dung tự họa vốn được biết đến nhiều hơn. Hoạ sĩ miêu tả hai người phụ nữ khỏa thân trong một khu rừng, người này nằm trong lòng người kia, giữa một khung cảnh vừa thân mật vừa bí ẩn.


Hai người, một da đen và một da sáng, được coi là đại diện cho bản sắc dân tộc của Kahlo vì cô có mối liên hệ với nguồn gốc bản địa cũng như tổ tiên châu Âu, tương tự như trong bức “The two Fridas”. Bức tranh cũng thu hút sự chú ý đến bản chất song tính (bisexual) của Kahlo, điều mà cô thể hiện công khai trong các bức tranh khác, và ngay trong đời sống tình cảm của mình.



Bức tranh là sự kết hợp giữa phong cách trình hiện và phong cách siêu thực. Các nhân vật được vẽ rất tỉ mỉ, từ những đường nét trên cơ thể cho đến biểu cảm trên khuôn mặt. Họ được bao quanh bởi một rừng hình dạng trừu tượng và màu sắc rực rỡ. Kahlo dùng bảng màu phong phú và bão hòa, màu xanh tươi của tán lá, màu xanh thẳm của bầu trời và màu đỏ rực của các bông hoa tạo nên một phông nền mộng mơ, tương phản mạnh mẽ với tông màu nhẹ nhàng và tự nhiên của các nhân vật, làm tăng sự gợi cảm và thể hiện tính chất dễ tổn thương của người phụ nữ. Một số nhà phê bình cho rằng họ có thể là chính Kahlo và người tình của cô ở thời điểm đó, nữ họa sĩ Jacqueline Lamba, tạo thêm một lớp nghĩa phức tạp cho tác phẩm.


Mặc dù Kahlo bác bỏ nhãn hiệu siêu thực, bức tranh lại cho thấy nhiều đặc điểm của trào lưu này, việc đặt cạnh nhau yếu tố thực và không thực, sử dụng biểu tượng, thăm dò những ham muốn và sợ hãi sâu trong tiềm thức… “Hai khỏa thân trong rừng” là một tác phẩm độc đáo thách thức những quy tắc truyền thống và khám phá giới hạn của sự thể hiện nghệ thuật.


Chủ sở hữu đầu tiên đã bán bức tranh cho ca sĩ Madonna với giá nửa triệu USD. Tháng 5 năm 2016, bức tranh được bán với giá 8 triệu USD tại phiên đấu giá của Christie's ở New York. Những bức tranh khác của Frida Kahlo giờ đây đã tiếp cận được lượng khán giả khổng lồ. Gần 50 năm sau khi qua đời, những hình ảnh mang tính biểu tượng của nữ hoạ sĩ Mexico vẫn tô điểm các trang lịch, các tấm thiệp, các áp-phích… Cách đây vài năm, nhà thiết kế thời trang người Pháp Jean Paul Gaultier đã tạo ra một bộ sưu tập lấy cảm hứng từ Kahlo, và bức chân dung tự họa “Frida Kahlo, 1933” đã xuất hiện trên một con tem bưu chính Hoa Kỳ.


Bài: Nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Phan Đan

Comentários


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page