Hàm Nghi là một Hoàng đế nghệ sĩ hay một nghệ sĩ làm Hoàng đế?
Trong buổi tọa đàm về Lịch sử nghệ thuật Việt Nam tại Viện Viễn Đông Bác Cổ, Giáo sư Taylor đã chia sẻ những quan điểm của mình về hai câu hỏi: “Hàm Nghi là một Hoàng đế nghệ sĩ hay một nghệ sĩ làm Hoàng đế?” và “đặt Hàm Nghi vào đâu trong biên sử nghệ thuật Việt Nam?”
Nora Taylor là Giáo sư, Tiến sĩ Lịch sử Nghệ thuật Đông Nam Á với các mối quan tâm về nghệ thuật, khảo cổ và nhân học. Luận án tiến sĩ của Nora Taylor được xuất bản với tựa đề “Họa sĩ ở Hà Nội: Một dân tộc chí về nghệ thuật Việt” (Painters in Hanoi: An Ethnography of Vietnamese Art, Hawaii Press, 2004). Nghiên cứu của Taylor kết nối giữa lịch sử nghệ thuật với các lý thuyết và phương pháp của ngành nhân học, để truy vấn những điệu còn bỏ ngỏ trong lịch sử nghệ thuật hội họa Việt Nam.
Tiến sĩ Nora Taylor nhận bằng Tiến sĩ Lịch sử Nghệ thuật Đông Nam Á
Giáo sư Taylor đã đặt ra hai câu hỏi:
1. Hàm Nghi là một Hoàng đế nghệ sĩ, hay là một nghệ sĩ làm Hoàng đế?
2. Đặt Hàm Nghi vào đâu trong biên sử nghệ thuật Việt Nam?
Giáo sư Taylor đã chia sẻ các quan điểm của cô để người đọc suy nghĩ về hai đối trọng, giữa khái niệm “Nghệ sĩ” và “Hoàng đế” quanh thân phận lịch sử đặc biệt của Hàm Nghi.
Nguồn ảnh báo Tuổi trẻ
Trong câu hỏi thứ nhất ta xác định nên quan niệm như thế nào về thân phận của Hàm Nghi, người được giới nghiên cứu quan tâm với vai trò một Hoàng đế yêu nước, hơn là tư cách như một người nghệ sĩ với hơn 2/3 cuộc đời theo đuổi nghệ thuật.
Đại chúng thường hiếu kỳ về những giai thoại xoay quanh vua chúa, như đồng hồ và viên ngọc tự nhiên lớn nhất thế giới của Bảo Đại. Hay với Hàm Nghi là thủ lĩnh tinh thần của phong trào Cần Vương và câu chuyện ông đã mang theo hàng trăm bộ áo dài ngay trước ngày phải vĩnh viễn rời xa cố hương. Vì tính chất hiếu kỳ của xu hướng quan tâm trên nên GS Taylor cho rằng trong tiến trình nghệ thuật Việt Nam chúng ta đã bỏ quên Hàm Nghi với tư cách là một trong những nghệ sĩ vẽ sớm nhất trong tiến trình nghệ thuật Việt. Hàm Nghi là một người nghệ sĩ bị chìm trong cái bóng quá lớn mang sự định danh gọi là “Hoàng đế”…
Để có thể tiến tới việc nghiên về lịch sử nghệ thuật của Hàm Nghi, GS Taylor nhắc chúng ta hãy tập chung vào thân phận nghệ sĩ của ông. Thân phận nghệ sĩ mà ông đắm mình và truyền tải tất cả tâm tư thầm kín trong những năm tháng tại Algérie. \
Hàm Nghi cần được quyền để lên tiếng và tự kể câu chuyện như một con người và chỉ là một người Việt Nam phải ly hương.
Hàm Nghi nên được xem là một người Việt Nam bị lịch sử đẩy đi khỏi đất nước, và bị buộc phải tách rời khỏi khung trời văn hoá, chia ly sông nước quê nhà và phải mang số phận cô độc, cô lập chính trị và chỉ còn một thứ để nương nhờ… để hoài thương mãi ký ức An Nam. Trong thân phận bị chia tách này thì ông đã bị tách rời khỏi tính chất là biểu tượng truyền thống của giai cấp cai trị, tâm hồn ông được trả tự do nói về chính cảm xúc của ông, thứ cảm xúc mà rất nhiều đồng bào trong thời đại ông đã trải qua.
Nhìn vào những bức tranh của Hàm Nghi, người ta nhận thấy sự cô độc vắng bóng con người. Theo GS Nora Taylor ngoài những bản năng cảm nghệ thuật ta có thể sử dụng phương pháp của WJT Mitchell (2002) trong Landscape and Power để tìm kiếm những mảnh tâm hồn trong suốt 55 năm vẽ tranh của ông. Bởi theo nghiên cứu này thì tranh phong cảnh luôn hàm chứa khả năng để “đọc", người ta nhìn vào cảnh sắc trong tranh không chỉ thấy sự trung tính và bất tận của cỏ cây sông núi, mà còn cả những nét cọ và sắc màu được dựng lên bởi những thói quen của nghệ sĩ.
Chính những thói quen kỹ thuật này sẽ tiết lộ những nét nội tâm thầm kín, điều này có ngay trong nghệ thuật triều Nguyễn mà Hàm Nghi được thừa hưởng. Lần tìm trong những niềm tưởng nhớ của cõi nghệ thuật của Hàm Nghi, GS Nora Taylor cho rằng ta có thể liên tưởng đến vẻ đẹp đâu đó của Cửu đỉnh triều Nguyễn. Tức thay vì ta chỉ tin những gì Hàm Nghi vẽ là hoàn toàn tả thực sông núi, mà thực ra ông còn đang mang đến những ẩn dụ về sơn hà xã tắc, văn hoá và truyền thống uy nghi của biểu tượng Hoàng đế - thứ “ngai vàng" ông từng hãnh diện nhận lấy.
Quyển sách Phong cảnh và quyền lực (Landscape and Power) của W.J.T. Mitchell.
Chính trong cách tiếp cận tranh phong cảnh theo phương án trên, GS Nora Taylor cho cách “đọc văn bản" trong bức tranh của Hàm Nghi có thể gợi mở thêm nhiều cách để chúng ta đồng cảm được tại sao người hoạ sĩ này lại thường vẽ cảnh chiều tà như thế. Bởi phong cảnh tà dương trong tâm thức Việt luôn gắn với cái gì đó cô đơn nơi trong những bài ca dao về những người sống nơi xa lạ và luôn hồi vọng về quê cha đất tổ.
Từ cách nhìn và trả lời cho câu hỏi thứ nhất, chúng ta cũng đã hiểu được phần nào lời giải cho câu hỏi thứ hai của buổi tọa đàm.
GS Nora Taylor cho rằng Hàm Nghi là một trong những người Việt Nam sớm nhất thao tác bằng sơn dầu để vẽ tranh, nên việc không nhắc đến ông sẽ là sự thiếu sót lớn cho tiến trình nghệ thuật Việt.
Vào năm 2022 tại vùng Nice thuộc Pháp đã có triển lãm quy mô và chính thống đầu tiên về tranh Hàm Nghi. Đây là triển lãm được đánh giá tốt trong việc giúp giới yêu nghệ thuật tái phát hiện được t nhiều điều truyền cảm trong tranh Hàm Nghi, lẫn gợi các nghĩ suy về thân phận người Việt Nam xa xứ. Chính tính ly hương của Hàm Nghi và việc ông độc lập sáng tác, học vẽ trong bối cảnh khác xa với hoàn cảnh lịch sử Việt Nam bấy giờ đã khiến ta có hai khái niệm cần hiểu rõ, rằng ta nên xem tranh của Hàm Nghi thuộc hệ thống các “Tác phẩm được sáng tác bởi người Việt Nam" thay vì “Các tác phẩm được sáng tác tại lãnh thổ Việt Nam”.
Khi chúng ta xem xét khái niệm “Tác phẩm được sáng tác bởi người Việt Nam" ta có thể xem tuy Hàm Nghi xác định việc sáng tác bằng kỹ thuật sơn dầu Tây phương, nhưng trong sâu sắc ông vẫn luôn coi mình là một người Việt Nam. Hàm Nghi quả thực vẫn tin rằng dù ở bất kể thời gian hay không gian nào thì ông vẫn sẽ không từ bỏ Việt Nam, và luận điểm này càng vững vàng khi ông vẫn nguyện giữ thói quen mặc áo dài tận cuối cuộc đời.
Đưa Hàm Nghi với thân phận nghệ sĩ vượt thoát ra khỏi cái bóng của danh từ Hoàng đế, cũng là đưa ông rời khỏi góc nhìn mang yếu tố hiếu kỳ. Quan điểm này trả cho nghệ thuật của Hàm Nghi quyền được đánh giá công bằng và được đánh giá trong bản chất nghệ thuật thay vì chỉ bằng ánh nhìn tiểu sử học (hướng nghiên cứu thường sẽ chỉ coi trọng nhãn dãn hoàng đế trong cuộc đời Hàm Nghi).
Sau cùng con người là một sinh linh với với sự tồn tại cực kỳ linh động, chẳng có gì mâu thuẫn khi ta vừa là nhà khoa học cũng vừa là ca sĩ, hay đồng thời vừa là chính trị gia và vừa là họa sĩ. Hàm Nghi là hoàng đế yêu nước là điều đã được chứng minh liên tục, ông và nghệ thuật của ông cũng cần được quan tâm và nghiên cứu, bởi sau cùng có một thứ tận sâu ta nên thấu hiểu về ông… ông là người Việt Nam.
Khi đã thừa nhận ông là người Việt Nam thì lịch sử nghệ thuật Việt Nam theo tôi sẽ chẳng nghèo nàn đi, mà thay vào đó nghệ thuật Việt sẽ chỉ thêm giàu có khi được đón nhận Hàm Nghi. Bởi đón nhận Hàm Nghi với thân phận họa sĩ cũng là bước đầu để tiến trình nghệ thuật Việt Nam đón nhận những sáng tác của những người đã bị lịch sử đưa đi thật xa và phải bị buộc rời khỏi quê hương, nhưng quan trọng là dẫu đi đâu thì tâm thức họ vẫn nhận họ là người Việt Nam.
Bài: Vương An Nguyên - Art Columnist
Comments