Frank Stella - bậc thầy trường phái hội họa trừu tượng & phong cách maximalist
Những đường kẻ tối giản, các tác phẩm điêu khắc kinh điển và khả năng sáng tạo với những nguyên vật liệu độc đáo của Frank Stella đã đưa ông trở thành một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với trường phái hội họa trừu tượng nói riêng và văn hóa nói chung. Cùng nhìn lại những điểm thú vị ít người biết trong cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Giới hạn không nằm trong từ điển của Frank Stella
Frank Stella không bao giờ bị giới hạn bởi một phong cách nhất định, mà ông luôn tìm cách để thay đổi. Bắt đầu được biết đến vào cuối những năm 1950 với các bức tranh trường phái tối giản tiết chế, ông đã trải qua một thời gian dài thử nghiệm trước khi chuyển hẳn sang phong cách tối đa (maximalist).
Thay cho những đường nét, hình khối đơn giản trước đây, các tác phẩm của Stella hiện tại luôn được tô điểm bởi những gam màu bùng nổ, rực rỡ. Ông cũng không còn giới hạn sự sáng tạo của mình trên mặt giấy nữa, mà chuyển sang thử sức trong thế giới thiết kế điêu khắc. Một lần nữa, ông tạo nên sự đột phá bằng cách sử dụng những nguyên vật liệu độc đáo, mới lạ như sơn tường, sơn xe, hợp kim nhôm đúc, sợi thủy tinh và kĩ thuật in 3D.
Những kỉ niệm hội họa đâu tiên
Stella sinh ra tại Malden, một thành phố nhỏ thuộc Massachusetts. Bố của ông là một bác sĩ phụ khoa, còn mẹ ông làm nội trợ nhưng bà cũng có niềm đam mê nghệ thuật - theo học trường thời trang và có sở thích vẽ tranh phong cảnh. Bố ông làm việc rất chăm chỉ, 60 tiếng một tuần, và ông cũng luôn luôn nhắc nhở Stella về tầm quan trọng của việc lao động. Trải nghiệm lần đầu của Stella với hội họa là khi bố ông kêu tô viền lại hình nhà cửa và tàu thuyền.
Ông có tính cách mạnh mẽ
Stella theo học ở Học viện Phillips danh giá, nơi mà ông từng bị gãy 3 chiếc răng trong một vụ ẩu đả ở khu kí túc xá. Không chỉ có tính cách mạnh mẽ, ông còn có một bộ não sắc bén; Năm 1954, ông theo học tại Đại học Princeton, chuyên ngành lịch sử. Tại đây, ông thể hiện tài năng của mình ở bộ môn bóng vợt, và đây cũng là khoảng thời gian ông bắt đầu vẽ tranh.
New York là ngôi nhà thứ hai
Sau khi tốt nghiệp năm 1958, Stella chuyển tới New York, nơi ông thuê căn hộ đầu tiên của mình ‘Tôi tới đây đơn giản vì đó là nơi tôi có thể tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật mà tôi hứng thú.’ New York là nơi đầu tiên ông tiếp cận với trường phái nghệ thuật Trừu tượng Biểu hiện của Jackson Pollock và Franz Kline. Hiện tại, ông sống ở khu trung tâm Manhattan, nhưng vẫn còn một studio ở khu upstate New York
.
Studio đầu tiên của ông rất bừa bộn
Sự lộn xộn tại studio đầu tiên của Stella ở New York được thể hiện qua tác phẩm của ông vẽ năm 1959, The Marriage of Reason and Squalor,II (Sự giao thoa giữa Lí lẽ và Hỗn loạn). Tiêu đề bức tranh không những ám chỉ phong cách nghệ thuật của Stella mà còn miêu tả không gian làm việc, sinh sống của ông.
Stella luôn quan tâm đến những họa sĩ/ nghệ sĩ cùng thời với mình
Những tác phẩm đầu tiên của ông được truyền cảm hứng bởi các nghệ sĩ trường phái Trừu tượng Biểu hiện mà ông gặp gỡ tại New York, Stella sau này chia sẻ rằng: ‘ Có lẽ tôi đã không theo đuổi nghệ thuật, nếu như tôi không có hứng thú với các nghệ sĩ khi đó’. Không chỉ được ảnh hưởng bởi Pollock và Kline, mà còn cả Barnett Newman, hay Jasper Johns - những đường kẻ dọc đặc trưng làm nên tên tuổi của Stella được truyền cảm hứng bởi buổi triển lãm của Jasper Johns vào năm 1958.
Nghệ thuật ám ảnh Stella cả trong các mối quan hệ cá nhân
Từ năm 1958-60, ông ở chung căn hộ với nhiếp ảnh gia Hollis Frampton và nhà điêu khắc Carl Andre, người miêu tả về mối quan hệ của họ như sau ‘chúng tôi dạy lẫn nhau’. Andre - khi đó đang thử sức với hội họa - hồi tưởng lại: ‘Một ngày nọ Frank Stella nói với tôi, “Nghe này, nếu anh vẽ thêm bất kì bức tranh nào nữa, tôi sẽ chặt tay anh… Anh hiện đã là một nhà điêu khắc giỏi rồi.”
Vẽ tranh bằng sơn tường
Khi chuyển tới New York, Stella vẫn làm việc sơn nhà để trả tiền thuê phòng, ông cũng dùng chiếc cọ sơn tường và men để thực hiện bức Black Paintings (1958 - 60). Quá trình thực hiện bức tranh được lưu lại trong loạt ảnh của Hollis Frampton, The Secret World of Frank Stella, và nó cho thấy rằng cách Stella vẽ tranh cũng tương tự như khi ông sơn tường nhà vậy - những khoảng không gian trống được phủ đầy bằng những đường thẳng đồng tâm sát nhau. Bộ sưu tập ‘Benjamin Moore’ của Stella vào năm 1961 - được đặt tên theo hiệu sơn mà ông đã dùng để vẽ - đã khiến Andy Warhol ấn tượng đến mức phải mua trọn bộ về
Ông không dùng dụng cụ đo lường khi sáng tác
Các tác phẩm của Stella thường được gọi là ‘tranh sợi mảnh’, tuy rằng các đường thẳng trong tranh thường không đồng đều với nhau. Khi làm việc, nghệ sĩ người Mĩ không đo lường từng đường, như nhiều nhà phê bình đã nhận định, mà vẽ một cách hoàn toàn tự nhiên.
Stella bước vào thế giới nghệ thuật đỉnh cao từ rất sớm
Các tác phẩm của ông được trưng bày trong một buổi triển lãm tại Bảo tàng Nghễ thuật Đương đại khi ông chỉ mới 25 tuổi, và ông có buổi triển lãm của riêng mình tại bảo tàng ở tuổi 34 - một con số nhỏ hơn rất nhiều so với các nghệ sĩ khác.
Tấm vải vẽ muôn hình vạn trạng
Nhận thấy sự bất hài hòa giữa nét vẽ và hình dạng của miếng vải vẽ, Stella bắt đầu bỏ đi những phần mà ông cho là thừa trên tấm canvas. Những ví dụ đầu tiên bao gồm loạt tranh Aluminum Paintings (1960) và Copper Paintings (1960-1961). Chưa dừng lại ở đó, ông còn thử nghiệm với nhiều hình khối độc đáo hơn như trong bộ Irregular Polygon (1965-67) và series Protractor (1967-71). Trong một thập kỉ sau đó, Stella bắt đầu áp dụng điêu khắc nổi vào các bức tranh của mình, và tự miêu tả phong cách bản thân là ‘maximalist’. Đối với nghệ sĩ John Chamberlain, Stella là một ‘nhà điêu khắc của họa sĩ.”
Niềm đam mê văn học
Năm 1983, Stella trở thành Giáo sư Thơ văn tại Đại học Harvard - các tác phẩm của ông luôn có ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn học.” Bộ Had Gadya của Stella là một ví dụ tiêu biểu nhất thể hiện niềm đam mê văn học của ông. Được thực hiện trong 2 năm loạt tranh gồm 12 bức này được truyền cảm hứng bởi các tác phẩm in thạch bản của nghệ sĩ người Nga El Lissitzky năm 1919.
Tiêu đề tranh ông luôn có ý nghĩa
Tên các tác phẩm của Stella luôn có ý nghĩa quan trọng, truyền những ý nghĩa về mặt cảm xúc vào các hình ảnh trừu tượng. Sự u ám, tăm tối của nét vẽ trong bộ The Black Paintings lại càng nặng nề hơn khi đi kèm với tiêu đề ám chỉ tới tổ chức Nazi. Ông từng chia sẻ rằng: ‘ The Black Paintings là những tác phẩm u ám, rất u ám. Và một cái tên mang tính đen tối hơn nữa là điều không thể thiếu.”
Ông không ngại với các tác phẩm quá khổ
Những tác phẩm sau này của Stella không chỉ nổi tiếng về sự đa dạng, mà còn ở kích cỡ của nó. Các tác phẩm trong bộ Had Gaya có kích thước lên đến 152cm x 135cm.
Bài: Theo fashionnet.vn
Commentaires