Code 11.59 - vẻ thanh nhã và kiều diễm từ vũ điệu của Ceramic & vàng trắng 18k
Thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Audemars Piguet giới thiệu đến giới mộ điệu Code 11.59 Starwheel, một tạo tác giao thoa giữa sự mạnh mẽ của chất liệu Ceramic đen và sự dịu dàng kiều diễm của vàng trắng 18 carat.
Được phát minh vào thế kỷ thứ 17, Wandering Hours là một loại chức năng đồng hồ hiển thị giờ bằng cách sử dụng hệ thống vệ tinh xoay dọc theo thang đo phút được sắp xếp theo hình vòng cung. Cách trình bày được cách điệu của giờ và phút này mang lại một vẻ huyền bí cho chiếc đồng hồ. Sau khi bị lãng quên vào thế kỷ 20, hệ thống này đã được Audemars Piguet phát triển và ra mắt vào năm 1991. Với cái tên Starwheel, cơ chế đặc biệt này đã được dùng cho nhiều mẫu đồng hồ của thương hiệu cho đến những năm 2000. Bây giờ, Starwheel đã quay trở lại trong bộ sưu tập Code 11.59 của Audemars Piguet, với một diện mạo hiện đại làm nổi bật phần mặt số, đồng thời tri ân đến cơ chế cổ điển truyền thống của vũ trụ chế tác đồng hồ Haute Horlogerie.
Cơ chế Wandering Hours trong một thiết kế siêu đương đại
Từ thế kỷ 17 đến thể kỷ 20, vẻ đẹp của Wandering Hours nằm trong một cơ chế bí ẩn giấu đằng sau bộ máy. Được Audemars Piguet tái phát triển vào năm 1991, Wandering Hours đã vươn lên tỏa sáng rực rỡ.
Phiên bản Starwheel mới ra mắt là sự tiếp nối của các người tiền nhiệm từ những năm 1990, đồng thời sở hữu bộ vỏ Code 11.59 biểu tượng của Audemars Piguet, với đường nét kiến trúc được chau chuốt bởi Wandering Hours. Cấu trúc của bộ vỏ được củng cố bằng sự phối hợp giữa các khối hình học, bao gồm viền bezel hình tròn, phần mặt sau, đĩa Starwheel và phần giữa bộ vỏ hình bát giác tròn.
Audemars Piguet Code 11.59 Starwheel
Đá Aventurine xanh đóng vai trò như một tấm màn lung linh cho ba đĩa quay trên trục, giống như những hành tình lơ lửng trong vũ trụ bé nhỏ của mặt số. Bộ phận đĩa quay được làm bằng nhôm phủ PVD màu đen, trước khi trải qua quá trình phun cát màu trắng đục. Các chỉ số Wandering Hours màu trắng được chuyển lên mặt số. Tuân thủ theo thiết kế đương đại, khu vực phút góc 120 độ, kéo dài theo hình vòng cung từ vị trí 10 giờ đến 2 giờ và viền bezel bên trong đều có màu đen với các vạch chỉ phút màu trắng.
Biến hóa cùng các chất liệu
Code 11.59 Starwheel thể hiện khả năng làm chủ vật liệu của Audemars Piguet khi kết hợp đá aventurine cùng vàng trắng 18 cara và Ceramic đen. Sự đa dạng về vật liệu cũng như mức hoàn thiện tinh xảo về mặt thủ công chính là dấu ấn của những người nghệ nhân bậc thầy, giúp tạo ra một dải ánh sáng vô tận – càng tôn vinh thiết kế phức tạp của Code 11.59 Starwheel. Ngoài ra, viền bezel, phần tai đồng hồ và mặt sau bằng vàng trắng góp phần tạo hiệu ứng tương phản với bộ vỏ và nút crown bằng ceramic màu đen.
Giống như các chi tiết bằng vàng, phần giữa của bộ vỏ sở hữu những đường vát biểu tượng được đánh bóng và hoàn thiện satin. Hơn nữa, các nghệ nhân của Audemars Piguet đã tính toán rất chi tiết nhằm đạt được sự liên kết hoàn hảo giữa nhiều bề mặt góc và tròn của bộ vỏ.
Đối với mặt số, phần mặt kính Sapphire cong kép giúp phóng đại các chi tiết bên trong, đồng thời tạo chiều sâu cho chiếc đồng hồ. Ở mặt sau, lớp kính Sapphire giúp các nhà sưu tầm có thể chiêm ngưỡng rõ bộ chuyển động của Code 11.59 Starwheel. Phiên bản này được trang bị dây đeo cao su đen và buckle mới được khắc logo Audemars Piguet thay vì chữ AP thông thường.
Bộ chuyển động Starwheel bên trong thiết kế biểu tượng Code 11.59
Lần đầu tiên, bộ chuyển động Starwheel được tích hợp vào bộ sưu tập Code 11.59 của Audemars Piguet với Calibre 4310 tự lên cót. Bộ máy thế hệ mới này được phát triển dựa trên Calibre 4309, kết hợp kỹ nghệ chế tác truyền thống cùng kĩ thuật trang trí tinh xảo, đồng thời sở hữu mức dự trữ năng lượng tối thiếu 70 giờ và khả năng chống nước ở độ sâu 30 mét.
Phần mặt sau và trước của Code 11.59 Starwheel
Thời gian được hiển thị nhờ vào một roto trung tâm vận hành một vòng quay hoàn chỉnh trong ba giờ. Trên đó có 3 đĩa nhôm cố định quay trên trục chính, mỗi đĩa có bốn chữ số từ 1 đến 12 thay phiên nhau chỉ vào khu vực hình vòm ở đầu mặt số. Phần kim đồng hồ bằng vàng trắng cong ở đầu theo phần nổi của các đĩa, hiển thị giây giống 1 chiếc đồng hồ truyền thống.
Wandering Hours: song hành cùng vũ trụ thời gian
Cơ chế Wandering Hours xuất hiện từ thế kỷ 17, theo yêu cầu đặc biệt của giáo hoàng Alexander VII. Chịu đựng chứng mất ngủ ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ, ngài đã đặt một chiếc “đồng hồ đêm” từ anh em nhà Campani, những nghệ nhân đồng hồ có trụ sở tại Rome. Ngài yêu cầu một chiếc đồng hồ không ồn và dễ xem giờ trong bóng tối. Anh em nhà Campani đã tặng Đức giáo hoàng chiếc đồng hồ Wandering Hours đầu tiên, trong đó thời gian được hiển thị trên một hình bán nguyệt trong một ô biểu thị ¼ giờ. Chiếc “đồng hồ đêm” này chính là tiền thân của cơ chế Wandering Hours.
Từ cuối thế kỷ 17, tính năng phức tạp này đã được áp dụng cho đồng hồ bỏ túi. Trong khi khẩu độ hình vòng cung vẫn 180 độ, thì phút được chia vạch ngoài một phần tư giờ để có độ chính xác cao hơn. Trong thế kỷ tiếp theo, những chiếc đồng hồ này được dùng làm quà tặng cho những ai có phẩm chất cao quý và đáng ngưỡng vọng.
Vào thế kỷ 19, sự phổ biến của Wandering Hours giảm dần. Những chiếc đồng hồ bấm giờ được sản xuất vào thời điểm này có cung 120 độ để thuận tiện cho việc độc thời gian. Phiên bản wandering hours 360 độ cũng xuất hiện vào thời điểm này, rồi dần bị thay thế bằng jumping hours vốn là biểu tượng của thời kỳ Art Deco trong nửa đầu thế kỷ 20.
Năm 1989, một nghệ nhân đồng hồ Audemars Piguet đã tình cờ biết đến hệ thống Wandering Hours trong một bài báo trên Tạp Chí Suisse d'horlogerie. Đây là thời kỳ những ý tưởng sáng tạo lên ngôi khi chứng kiến sự hồi sinh của ngành chế tác đồng hồ cơ. Vào năm 1991, sau 18 tháng phát triển, chiếc đồng hồ Wandering Hours đầu tiên của thương hiệu đã ra đời (Ref. 25720). Được đặt tên là “Star Wheel” – lấy ý tưởng từ ba ngôi sao hỗ trợ đĩa giờ bằng Sapphire cố định trên một bánh xe trung tâm lớn – chiếc đồng hồ đã bật mí những bí ẩn về cơ chế hoạt động của Wandering Hours bằng cách làm lộ bộ máy bên trong.
Một trong những phiên bản Wandering Hours đầu tiên của Audemars Piguet
Trong khoảng từ năm 1991 đến 2003, khoảng 30 mẫu “Star Wheel” đã được Audemars Piguet giới thiệu trong một số bộ sưu tập khác nhau. Những chiếc đồng hồ sáng tạo về mặt thẩm mỹ, đa dạng về thiết kế với khẩu độ hình vòng cung ở các độ dài và vị trí khác nhau, một số còn kết hợp đính đá quý và mặt số lộ cơ. Bằng cách giới thiệu lại hệ thống Wandering Hours, Audemars Piguet đã mở ra một chương mới trong ngành chế tác đồng hồ thế kỷ 21.
Bài: Navigator Media
Comments