Cái nhìn toàn cảnh về thị trường xe sang tại Việt Nam
Hình ảnh một chiếc xe Rolls-Royce chễm chệ nơi đô thị, xen lẫn giữa dòng phương tiện xe đạp, xe máy tất tả mưu sinh luôn tạo nên một cảm giác khó tả trong tôi. Xin mượn hình ảnh đầy biểu cảm ấy để nhập đề cho bài viết về tiềm năng của thị trường xe sang ở xứ Việt. Bài viết với góc nhìn cá nhân của một người có kinh nghiệm trong ngành ô tô - chị Thảo Nguyễn.
Tiềm năng của thị trường
Tổng cục Thống kê cho biết năm 2019, GDP Việt Nam tăng 7,02%. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%. Với tăng trưởng GDP bình quân được dự báo trên 6% mỗi năm, số triệu phú Việt Nam sẽ tăng vọt lên gấp đôi trong thời gian tới.
Thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam vào khoảng hơn 2.700 USD/người/năm vào năm 2019 và dự kiến tăng đến 4.600 USD đến 2025. Hiện tốc độ tăng số lượng người siêu giàu tại Việt Nam đạt 170%, thuộc top nhanh nhất thế giới, cao hơn Ấn Độ và Trung Quốc.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam với lực lượng dân số trẻ, trung bình mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu, dự kiến đạt mốc 33 triệu người trong năm 2022. Ngoài sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, tốc độ tăng người siêu giàu tại Việt Nam được dự đoán tăng mạnh trong 10 năm tới với số lượng hơn gấp đôi hiện tại và đạt khoảng 430 người.
Với số lượng xe du lịch sở hữu trên 1000 dân, thuộc loại thấp trong khu vực, Việt Nam đứng gần cuối bảng với 16 xe/1000 người dân. Các nước Thailand, Malaysia, Ind nesia đều đạt từ 55-341 xe/1000 người dân. Đây là 1 yếu tố khá hấp dẫn cho các thương hiệu mới đang nghiên cứu thị trường tiềm năng này.
Theo kết quả điều tra các doanh nghiệp ô tô, đa số triệu phú Việt Nam chi khoảng 3-5% giá trị tài sản của mình cho ô-tô. Như vậy, một người đang sở hữu 100 tỷ sẽ sẵn sàng chi từ 3-5 tỷ để mua xe hơi. Vì vậy, Việt Nam là một thị trường tiềm năng đối với xe sang và xe siêu sang. Tuy nhiên, mức tiêu thụ của thị trường theo sự điều tiết của hai yếu tố chính: chính sách nhà nước và tâm lý thị trường, mà tôi sẽ có dịp chia sẻ trong các bài sau.
Sân chơi dành cho những ai?
Với các mức thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt đánh vào mặt hàng xe ô tô, người tiêu dùng đang phải trả cho 1 chiếc BMW 7 series lại Việt Nam là gần 190.000 USD, với số tiền này, ta có thể mua được 2 chiếc xe cùng loại tại Đức. Các dòng xe sang và siêu sang nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là các thương hiệu châu Âu, bao gồm Audi, BMW, Jaguar Land Rover, Bentley, Maserati, Lamborghini, Porsche, Volvo… cùng với Ford của Mỹ và hai thương hiệu xe sang Nhật Bản là Lexus và Infiniti.
BMW 7 Series
Chính vì vậy, hiện nay chỉ có duy nhất thương hiệu Mercedes-Benz Việt Nam là thương hiệu sản xuất nội địa nằm trong phân khúc này. Mercedes hiện là cái tên đứng đầu thị trường. Theo số liệu thống kê, năm 2019, số lượng xe Mercedes-Benz đăng ký mới là 6.082 xe, là thương hiệu xe hạng sang duy nhất nằm trong top 10 các thương hiệu với doanh số bán cao nhất năm 2019.
Ngoài lợi thế quan trọng nhất là lắp ráp trong nước, Mercedes-Benz còn có mạng lưới đại lý tốt phủ khắp cả nước, sản phẩm chủ lực tốt và thương hiệu đã có bề dày lịch sử tại Việt Nam, bên cạnh sự gián đoạn kinh doanh của các thương hiệu cạnh tranh trong cùng phân khúc do chuyển đổi đơn vị nhập khẩu. BMW là đối thủ đáng gờm nhất trong phân khúc này với dòng sản phẩm cạnh tranh one to one với gã khổng lồ Mercedes-Benz và ưu thế về động cơ và cải tiến có phần vượt trội hơn.
Vào thời điểm năm 2016, doanh số bán ra của BMW đạt gần 2,000 xe (Mercedes đang ở mức 4,000) và có chiến lược vượt mặt Mercedes-Benz đến năm 2021 với việc tận dụng ưu đãi theo AFTA. Tuy nhiên, từ đầu 2018, vẫn chưa có công bố chính thức nào về lượng xe bán ra trong 2018 và 2019 từ dòng xe này và cũng chưa nhìn thấy rõ chiến lược của thương hiệu này tại Việt Nam trong thời gian gần 3 năm trở lại.
Một điểm mạnh nổi trội mà BMW có được với nhà đầu tư hiện tại là mạng lưới đại lý trực thuộc tại các vị trí chiến lược trên toàn quốc. Nổi lên trong thời gian gần đây, Volvo ghi nhận số bán 554 xe cả nước năm 2019, tăng 250% so với năm 2018. Sản phẩm bán chạy nhất là XC60 do những ưu điểm của sản phẩm này và giá cả hợp lý vì hưởng lợi từ việc ưu đãi thuế do nhập khẩu từ Malaysia và vận hành kinh doanh dưới tổng công ty Savico, một tên tuổi kỳ cựu trong ngành phân phối ô tô tại Việt Nam.
Volvo XC60
Lexus – cái tên duy nhất gốc Á trong phân khúc này, ghi nhận mức tăng trưởng trên 150%, đạt 1.511 xe năm 2019. Tuy nhiên, về sự nghiên cứu cải tiến, tiết kiệm nhiên liệu và thiết kế xe, Lexus không phải là đối thủ quá mạnh đối với các thương hiệu đến từ Châu Âu khác. Sở dĩ Lexus có số bán cao nhờ vào việc bán hàng nâng cấp của lượng khách hàng Toyota, chính sách chăm sóc khách hàng và mạng lưới hậu mãi rộng khắp sau hơn 25 năm thành lập tại thị trường Việt.
Với mức tăng trưởng chung của toàn thị trường ô tô 2019 so với 2018 là 12%, phân khúc ô tô hạng sang nằm ở mức 15%-20% và sẽ có nhiều thương hiệu nữa dự kiến xâm nhập thị trường như Mc Laren, Alfa Romeo, Lincoln, Cadillac, Acura… Thị trường ô tô Việt Nam nói chung và xe sang nói riêng luôn tạo cảm xúc phấn khích, hồi hộp cho những ai theo dõi cuộc đua này.
Chuẩn bị cho tương lai
Bentley Bentayga
Chính vì tiềm năng như vậy, nên hiện nay hầu hết các thương hiệu xe sang đã lần lượt có nhà phân phối chính thức tại Việt Nam, khiến cho phân khúc này ngày càng cạnh tranh khốc liệt, khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn trong cùng một mức ngân sách, khách hàng đòi hỏi sự chăm sóc cao hơn, trong khi chỉ số trung thành lại ngày càng giảm đi. Trải nghiệm khách hàng chỉ được tạo ra bởi con người, vì vậy mà nhân sự của ngành ô tô ngày càng được trọng dụng và được đánh giá là quan trọng trong sự thành công của thương hiệu tại thị trường.
Chiến lược sản phẩm và giá cũng là xương sống của thị trường này. Theo số liệu trong năm 2019, xe SUV chiếm đến gần 70% doanh số và phân khúc SUV hạng sang hiện rất ít lựa chọn, mức giá trên 10 tỷ hiện nay đang độc tôn bởi một vài thương hiệu: Land Rover Autobiography, Bentley Bentayga, Maserati Levante GTS…
Maserati Levante Trofeo
Các ưu đãi thuế quan thông qua các nghị định thương mại và mậu dịch, như nghị định số 125/2017/NĐ-CP áp dụng ưu đãi thuế 0% với linh kiện nhập khẩu; thuế nhập khẩu từ ASEAN với 40% tỷ lệ nội địa hóa về 0% từ năm 2018. Ngày 30.6, Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam được ký, theo đó đến năm 2030, ô tô nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu với tỷ lệ nội địa hóa 55% sẽ được giảm theo lộ trình đến 0%.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) có hiệu lực từ ngày 05.10.2016, lộ trình giảm thuế đến 2022 là 20.2%...
Năm 2020, với sự chững lại của việc giao dịch bất động sản, cộng với dịch Covid 19 tiến triển ngay trong những tháng đầu năm gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của các công ty, quý 1 và quý 2 năm 2020 đã có sự giảm mạnh trong doanh số của các hãng xe (36%), đặc biệt là xe nhập khẩu.
Với việc phê duyệt giảm 50% lệ phí trước bạ từ 29.6 đến hết 31.12 áp dụng cho xe lắp ráp nội địa, các thương hiệu xe sang lắp trong nước chắc chắn sẽ hưởng lợi và tạo nên cuộc chạy đua hỗ trợ trước bạ để bù đắp doanh số sụt giảm của các hãng còn lại.
Bài: Thảo Nguyễn Tess
Comments