Các phần chìm nổi của thị trường xa xỉ phẩm (Kỳ 3) Black Market
BLACK MARKET - Thị trường Đen, hay có thể hiểu nôm na là thị trường gian lận, lừa đảo, hoặc do phạm tội mà có.
Chúng ta thường nhầm lẫn về thuật ngữ khi gọi nó là "thị trường chợ đen". Black Market chính xác là một thị trường đen theo đúng nghĩa chân thật nhất của nó. Không thể biết được loại thị trường này hình thành từ lúc nào, tuy nhiên nó bùng nổ đáng kể khi bước vào kỷ nguyên internet và e-commerce (thương mại điện tử).
Nguồn hàng của thị trường này đến từ nhiều dạng, nhưng nhìn chung vẫn do lừa đảo, cướp giật hoặc từ các hacker. Dễ thấy nhất là mua hàng bằng thẻ tín dụng bị "hacked" sau đó chuyển hàng về một nước thứ 3 không thể điều tra được, và bán ra thị trường với mức giá gần bằng hoặc thấp hơn hẳn thị trường Grey Market. Nếu quan sát có thể thấy nhiều trang thương mại điện tử lớn từ chối ship hàng về một số nước, trong đó có Việt Nam.
Loại hàng hóa phổ biến nhất của thị trường này thường thiếu thông tin rõ ràng về nguồn gốc, không có thông tin từ đại lý bán (đặc biệt là hàng mới nguyên), không đăng ký được bảo hành toàn cầu. Những sản phẩm có được do trộm, cướp từ cá nhân hoặc "cầm nhầm" từ các boutique được tuồn ra bán bên ngoài đều có thể coi là hàng của Black Market.
Hơn 1000 món đồ hiệu bị đánh cắp và bày bán
được cảnh sát phát hiện tại Richmond
Khách hàng đến với thị trường này đa phần do không biết, hoặc biết mà vì giá rẻ nên mua. Bởi sản phẩm bán ra - được mua xuất phát từ một hình thức phạm tội nào đó, nên việc vướng vào các vấn đề pháp lý là rất cao. Đặc biệt khi sản phẩm đó thuộc dòng cực đắt hoặc cực hiếm với số lượng sản xuất giới hạn.
Các nước có hệ thống kiểm soát thông tin về giao dịch sản phẩm không được chặt chẽ chính là mảnh đất màu mỡ cho việc tiêu thụ loại hình sản phẩm này.
Nếu bạn là nạn nhân của thị trường trên, và món hàng bạn vừa đánh mất là một chiếc đồng hồ đeo tay có giá trị, hãy thử tìm đến dịch vụ của The Watch Register https://www.thewatchregister.com/register-loss/. Với mức phí dịch vụ 10 Bảng Anh cho một thông tin đăng ký, rất có thể bạn sẽ tìm được chiếc đồng hồ yêu quý của mình. Hoặc trước khi tiến hàng mua một chiếc đồng hồ có giá trị lớn, bạn cũng nên đối chiếu thông tin thông qua dịch vụ này.
Chiếc đồng hồ Rolex GMT Master "Eye of the Tiger" trong hình trị giá 13.500 bảng Anh (17.593 USD), đã bị lấy đi trong một vụ cướp vào ngày 6 tháng 1 năm 2016 từ một cửa hàng đồng hồ ở London. Nó được xác định nguồn gốc nhờ Art Loss Register - cơ sở dữ liệu nghệ thuật bị đánh cắp, điều hành bởi The Watch Register, khi được "chủ sở hữu" vào thời điểm ấy là Nadeem Malick chào bán
cho một đại lý vào tháng 3 năm 2016 - Nguồn CNN.
Bài: Duy Nguyễn - Business Columnist
Hình ảnh: Minh họa từ Internet.
Xem lại Kỳ 1: White Market
Xem lại Kỳ 2: Grey Market
Comments