top of page

Họa sĩ Andrew Wyeth cùng bức tranh nổi tiếng “Thế giới của Christina" (1948)


Một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất trong nghệ thuật Mỹ thế kỷ 20 là bức tranh “Thế giới của Christina” (Christina's World), vẽ năm 1948, thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York. Đây là tác phẩm của Andrew Wyeth, mà nhiều nhà phê bình coi là thuộc xu hướng hiện thực huyền ảo (magical realism).


Năm 2017, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Andrew Wyeth (1917-2009), tại Mỹ có cuộc triển lãm 110 bức tranh điển hình của ông từng trưng bày lần đầu tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York năm 1943. Andrew Wyeth được truyền cảm hứng từ các hoạ sĩ Winslow Homer, Thomas Eakins và từ hội hoạ Phục hưng. Chủ đề yêu thích của Wyeth là vùng đất và con người ở quê hương Chadds Ford, Pennsylvania, và ngôi nhà mùa hè ở Cushing, Maine. Ông đã thực hiện một bộ sưu tập khoảng 300 bức tranh về chủ đề “cửa sổ” trưng bày trong triển lãm “Andrew Wyeth: Look out, looking in” năm 2014 của Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia. Wyeth không sử dụng sơn dầu nhưng thành thạo với kỹ năng tạo ra những bức tranh màu nước thu hút giác quan và cảm xúc của người xem. Wyeth dành cho mọi sự vật mức độ chi tiết cao, nhưng các tiêu đề lại bộc lộ ý nghĩa sâu xa thay vì vẻ ngoài đơn giản của bức tranh. Các hình ảnh và tiêu đề của ông gợi lên âm thanh, như được ngụ ý trong nhiều tác phẩm: “Distant Thunder” (1961) và “Spring Fed” (1967).


Chân dung hoạ sĩ Andrew Wyeth (1917-2009)


Nghệ thuật của Wyeth từ lâu đã gây tranh cãi. Các cuộc triển lãm của Wyeth lập kỷ lục về số lượng người tham dự, nhưng cũng chịu nhiều chỉ trích, bởi Wyeth đã tạo ra những tác phẩm hoàn toàn trái ngược với khuynh hướng trừu tượng phổ biến trong nghệ thuật và tư duy phản biện của người Mỹ giữa thế kỷ 20. Những người ngưỡng mộ lại cho rằng các bức tranh của ông, ngoài vẻ đẹp hình thức còn chứa đựng cảm xúc mạnh mẽ, mang nội dung biểu tượng và tính trừu tượng tiềm ẩn. Trên tạp chí Life năm 1965, mặc dù được cho là một hoạ sĩ hiện thực, Wyeth vẫn nghĩ hội hoạ của mình theo khuynh hướng trừu tượng: “Con người và sự vật của tôi hít thở theo một cách khác, có một cốt lõi khác - chắc chắn là trừu tượng. Khi bạn thực sự nhìn vào một thứ gì đó, một vật thể đơn giản và nhận ra ý nghĩa sâu sắc của nó - nếu bạn có cảm xúc về nó thì sẽ không có điểm kết thúc.”



Tác phẩm Distant Thunder (1961)


Wyeth duy trì phong cách hội họa hiện thực trong hơn bảy mươi năm, tập trung vào một số chủ đề và mô hình phong cảnh có thể nhận dạng được. Ông thường thực hiện hàng chục nghiên cứu bằng bút chì hoặc màu nước trước khi thực hiện một bức tranh hoàn thiện. Wyeth nói: “Tôi là họa sĩ minh họa cho cuộc đời của chính mình.” Ông vẽ không ngừng nghỉ cho đến khi qua đời năm 2009 ở tuổi 91.


Tác phẩm Spring Fed (1967)


Đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ hội hoạ Andrew Wyeth:

Trong điện ảnh: Nhà quay phim Nestor Almendros viết rằng tranh của Wyeth là nguồn cảm hứng cho hình ảnh của bộ phim “Days of Heaven” (1978). Đạo diễn Philip Ridley cho biết, bộ phim “The reflecting skin” (1990) của mình lấy cảm hứng từ hội hoạ Andrew Wyeth. Tom Duffield, nhà thiết kế sản xuất cho bộ phim “The Ring” (2002), cũng nói tương tự. Ngoài ra, Night Shyamalan dựng phim “The village” (2004) dựa trên các bức tranh của Wyeth.


Tác phẩm Winter (1946)


Trong âm nhạc: Loạt tranh “Helga” của Andrew Wyeth là nguồn cảm hứng cho album “Man of colors” năm 1987 của ban nhạc Australia Icehouse. “Faraway” (2014), một ca khúc nghệ thuật của Dog Byron, đã lấy cảm hứng từ bức tranh “Faraway” của Wyeth.


Bức tranh “Christina's World”

“Thế giới của Christina” (Christina's World ) vẽ năm 1948 của Andrew Wyeth là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất hội hoạ Mỹ giai đoạn giữa thế kỷ 20. Đây là tác phẩm theo phong cách hiện thực, lấy bối cảnh khắc nghiệt vùng ven biển Maine, mô tả một phụ nữ trẻ nhìn từ phía sau, mặc chiếc váy màu hồng và nằm trên một đồng cỏ không có cây cối, hầu hết là màu nâu vàng. Phần thân trên chống trên tay, cô có vẻ cảnh giác và căng thẳng, gần như đông cứng, nhìn lên một ngôi nhà màu xám ở phía chân trời hòa hợp với thảm cỏ khô và bầu trời u ám.


Bức tranh “Thế giới của Christina” (Christina's World ), 1948, của hoạ sĩ Andrew Wyeth (1917-2009)


Người phụ nữ trong tranh là Anna Christina Olson, mắc chứng rối loạn thoái hóa cơ không thể đi lại từ khi còn nhỏ. Cô không sử dụng xe lăn mà bò khắp nơi. Wyeth vẽ bức tranh khi thấy cô bò qua cánh đồng trong khi ông quan sát từ cửa sổ trong nhà. Ngôi nhà trong tranh được gọi là Nhà Olson ở Cushing, Maine, hiện mở cửa cho công chúng tham quan và do Bảo tàng Nghệ thuật Farnsworth quản lý. Nó đã trở thành di tích lịch sử quốc gia và được khôi phục để phù hợp với diện mạo trong bức tranh. Tiêu đề “Thế giới của Christina” cho thấy nó là một phong cảnh tâm lý hơn là một phong cảnh hiện thực, miêu tả một tâm trạng hơn là một địa điểm cụ thể.


“Thế giới của Christina” lần đầu tiên được trưng bày tại Gallery Macbeth ở Manhattan năm 1948. Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) đã mua bức tranh với giá 1.800 USD (tương đương 18.200 USD theo tỷ giá 2023). Nó dần dần trở nên phổ biến và ngày nay, nó được ghi nhận như một điểm tham chiếu về cảm xúc và văn hóa trong tâm trí hàng triệu người, là biểu tượng của nghệ thuật Mỹ và hiếm khi được bảo tàng cho mượn.


Trong tiểu thuyết “2001: A Space Odyssey” của Arthur Clarke, “Thế giới của Christina” là một trong hai bức tranh (bức kia là “Cây cầu ở Arles” của Vincent van Gogh) được miêu tả là treo trên tường phòng khách của "một dãy khách sạn trang nhã". Cuộc đời của Christina Olson và cuộc gặp gỡ của cô với Wyeth cũng được miêu tả trong tiểu thuyết “A piece of the world” của Christina Baker Kline.


Bức tranh còn xuất hiện trong bộ phim khoa học viễn tưởng “Oblivion” (2013). Một cảnh trong phim “Forrest Gump” năm 1994 lấy cảm hứng từ “Thế giới của Christina”. Trong phim “War on everyone” (2016), Jackie (nhân vật của Tessa Thompson) có một bức phiên bản “Thế giới của Christina” treo trong phòng ngủ. Bức tranh cũng được tham chiếu trong mùa 4 của loạt phim truyền hình “Atlanta”, trong bài hát cùng tên của Madeline Johnston, trong video âm nhạc của Ethel Cain cho bài hát "American Teenager" năm 2022. Nó còn xuất hiện nhiều lần trong serie “Westworld” của HBO (2016-2022).


Bài: Nhà thơ - nhà nghiên cứu Phan Đan, theo www.moma.org/collection/works


Commentaires


ad1_2.jpg
IMG_7057.GIF
Navigator Business and Finance 2 1x4.jpg
bottom of page