Absinth – khổ thân Van Gogh khi cứ nhắc mãi chuyện cũ
- Quân Đặng
- 4 thg 7, 2021
- 8 phút đọc
Đã cập nhật: 27 thg 10, 2021
Hãy cùng nói thật với nhau: bạn biết đến absinth từ đâu? Và thực sự thì bạn biết gì về absinth, trừ việc nó nặng đô và nhiều người chết vì nó, bao gồm Van Gogh và cái tai khốn khổ, Hemingway và “Chết trong một buổi chiều” huyền thoại… Thôi thì cũng đã đến lúc tha cho họ, mà chia sẻ với nhau những điều thật thà về “nàng thơ xanh ngắt” này.
TỪ NHỮNG HUYỀN THOẠI…

Nhà thơ người Pháp Arthur Rimbaud, một trong những người sáng lập trường phái thơ tượng trưng gọi absinth là “Bụi ngải đắng của các dòng sông băng” vì thành phần chính của absinth là loại thảo dược có vị đắng mọc rất nhiều ở khu vực băng tuyết Val-de-Travers (Thụy Sỹ), thường được gọi là cây ngải. Đó cũng là nơi ra đời của loại đồ uống có hương liệu huyền thoại này vào cuối thế kỷ 18.
Đó là năm 1859, khi bức họa The Absinthe Drinker của Édouard Manet gây sửng sốt ở Salon de Paris; là năm 1914, khi Pablo Picasso ra mắt tác phẩm Absinthe Glass (Ly rượu absinthe) gồm một phần điêu khắc, một phần cắt dán và một phần vẽ, biểu hiện sự thực và sự ảo. Vào thời Belle Époque (Thời kỳ tươi đẹp), một giai đoạn chủ yếu ở châu Âu từ khoảng cuối thế kỷ 19 tới cho năm 1914, trước khi nổ ra Thế chiến I, absinth được gọi là "Green Fairy" nhờ màu sắc đặc biệt là lựa chọn hàng đầu của hầu hết văn nghệ sĩ tại Paris.
Và 5 giờ chiều hàng ngày absinth được ưu ái gọi là "Green Hour", một thời điểm hưng thịnh nhất của các quán cà phê khi trên bàn xếp đầy những ly rượu màu xanh tươi. Hàng triệu văn nghệ sĩ đã quy phục dưới chân absinth và đồ uống này nghiễm nhiên kích thích các sáng tạo văn chương, nghệ thuật. Mỗi người đều tự trang bị cho mình những chiếc ly chuyên dụng, muỗng, đường để làm dịu vị đắng và dụng cụ lọc để pha loãng absinth, như một giấc mơ để lọc thành kiệt tác đời mình.
Nhà văn người Pháp, Alfred Jarry, tác giả của tác phẩm Lão Ubu luôn khăng khăng đòi uống trực tiếp absinth nguyên chất; thi sĩ Baudelaire và Rimbaud kết hợp với những chất kích thích khác. Họ đã chìm ngập trong hơi rượu mê man của absinth và viết lách ngay trong thế giới mơ hồ ấy. Thậm chí trong bài thơ Poison, Baudelaire còn xếp hạng absinth trên cả rượu và cái thứ nghiện ngập kia. Còn Rimbaud, “nhà giả kim thuật của thế giới thi ca” coi absinth như một công cụ nghệ thuật. Ông cho rằng hiệu ứng ảo giác của absinth “giúp bản thân trở thành một nhà tiên tri qua các rối loạn lâu dài, phi thường của tất cả các giác quan”. Ngay cả Guy de Maupassant, nhà văn xuất sắc của văn học Pháp, tác giả của những Boule de Suif (Viên mỡ bò), Le Papa de Simon (Bố của Simon) cũng mê mẩn với absinth khi nhắc tới đồ uống này trong truyện ngắn Les dimanches d'un bourgeois de Paris (Ngày chủ nhật của một trưởng giả Paris).
Công chúng đương thời đã đổ lỗi cho absinth rằng đồ uống này đã khiến Baudelaire, Jarry, Verlaine, Alfred de Musset và nhiều văn nghệ sĩ khác chết sớm. Thậm chí, việc Vincent Van Gogh “tự xử” một tai của mình cũng được dự đoán là do tác dụng của absinth. Chính vì điều tiếng gây rối loạn tâm thần, kích thích các hành vi phạm tội, trong đó có giết người, năm 1915, chính phủ Pháp, Thụy Sĩ, Mỹ và hầu khắp châu Âu đã ra lệnh cấm absinth. Nhưng cùng lúc đó, absinth vẫn được nhắc tới. Ernest Hemingway vẫn nhấm nháp đồ uống này ở Tây Ban Nha những năm 1920 khi ông là một nhà báo ở đây, và vẫn tiếp tục “tin dùng” absinth trong tác phẩm The Sun Also Rises (Mặt trời vẫn mọc), For Whom the Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai)... Hemingway thậm chí còn phát minh ra cách pha chế một ly absinth hảo hạng nhờ thêm champagne. Những năm cuối thế kỷ 20, absinth đã trở thành một điểm tham chiếu suy đồi trong một thế hệ mới của các nhà văn Bohemian có đồn điền ở San Francisco và New Orleans.
Trong phim ảnh, hình tượng absinth cũng có thể được gặp ở khắp nơi, một cách hiện, hoặc mờ. Trong Mad Men, trong Moulin Rouge, gần hơn thì có Eurotrip, Get him to the Greek… đều nhắc đến thứ đồ uống màu xanh quỷ ám này. Một thứ đã trở thành chất cấm khiến người ta tò mò, được phủ lên vô số lớp tin đồn và huyền tích, để việc uống một shot absinth trở thành một “thử thách” của tửu đồ.
… ĐẾN TỈNH DẬY MÀ UỐNG ĐỪNG SỢ
Có rất nhiều lời đồn đại từ ngày xưa cho rằng chỉ cần uống absinth nguyên chất, 3 giây sau đó bạn sẽ nhìn thấy kỳ lân, tiếp đó là hàng loạt ảo ảnh và mất kiểm soát hành động. Người ta đổ cho absinth là thủ phạm của các vụ giết người thời đó hay gián tiếp khiến nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng chết sớm. Thậm chí, việc Vincent Van Gogh tự cắt một tai của mình cũng được phỏng đoán là do tác dụng của absinth. Những ai nghiện loại thức uống này đều khẳng định mình đã chạm đến thiên đường chỉ sau khi uống. Một ngụm absinth có thể khiến mọi thứ biến thành xanh lá trong vài giây, vị nóng chảy xuống cổ họng, người uống sẽ chuếnh choáng trong khoảng 15 phút mới định thần lại được. Nếu dám uống 3 ngụm một lúc, có khi bạn sẽ lên thiên đường thật.
Thế tóm lại, sự thực là đâu? Việc uống absinth có phải là một thử thách kinh hồn, và uống absinth có phải là phạm pháp không? Xin thưa đơn giản: thứ chúng ta tưởng rằng mình đang nốc vào, thực ra chỉ là hợp chất của những tin đồn. Absinth giản dị hơn như thế nhiều.

Absinth, ở hình thái truyền thống nhất, là một thứ rượu thảo mộc, được làm từ thứ eau-de-vie/brandy nguyên chất không ủ từ nho, thêm các thứ gia vị thảo mộc để tạo nên vị và màu đặc trưng. Ở công thức cơ bản, ba thứ nguyên liệu thảo mộc là grand wormwood – cây ngải áp-xanh, green anise – tiểu hồi cần và florence flennel – tiểu hồi hương. Nếu chỉ với ba nguyên liệu đầu vào này thì sẽ cho ra Blanc Absinthe - loại absinth trắng. Nhưng để có loại absinth xanh lục bảo thì ngoài ba nguyên liệu trên còn cho thêm ngải La Mã, hoa bài hương, bạc hà và hoa cúc La Mã, ủ trong thùng đồng và lấy màu xanh từ diệp lục.
Rượu absinth xanh thì luôn có độ cồn cao hơn trắng theo truyền thống để giữ màu xanh của chất diệp lục. Sau đó rượu được pha loãng với nước cất tới 62° và đóng chai. Absinth trắng được đóng chai màu pha lê, còn La fée verte thì được đóng chai sẫm màu để giữ cho màu xanh được nguyên thủy. Ðặc biệt phải tránh ánh sáng không thì rượu sẽ đổi từ màu xanh lục bảo sang màu vàng rồi chuyển sang nâu nhạt, dù hương vị không thay đổi nhiều.
“Nàng tiên xanh” bị đưa vào danh sách cấm tiêu thụ vào năm 1905, khi có tin rằng Jean Lanfray - một nông dân Thụy Sỹ - đã giết gia đình và cố gắng tự sát sau khi uống absinth. Vụ án của Lanfray là điểm then chốt trong chủ đề tranh luận về việc nên cấm loại thức uống độc hại này hay không. Một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức vào ngày 5/7/1908 để cấm tiêu thụ rộng rãi “Nàng tiên xanh”. Sau khi được cử tri chấp thuận, hiến pháp của Thuỵ Sỹ đã đưa vào lệnh cấm absinth. Năm 1906, cả Bỉ và Brasil cấm bán và phân phối absinth, tiếp theo đó là Nhà nước Tự do Congo vào năm 1898, Hà Lan năm 1909, Thụy Sỹ năm 1910, Hoa Kỳ năm 1912 và Pháp năm 1914.
Tuy nhiên – đến cuối thế kỷ XX, đa phần các nước đã gỡ bỏ rào chắn này. Sự “độc hại” và tính gây “ảo giác” được truyền tụng của Absinth, được cho là gây ra bởi thujone – hợp chất này tồn tại trong grand wormwood, và đúng thật là có khả năng gây ảo giác. Nhưng của đáng tội thì khả năng đó giống như cách mà trầu cau hay thuốc lào gây ra cho bạn – ý là với lượng tồn tại trong absinth thì nó chả đủ. Bạn sẽ lăn ra vì ngộ độc rượu trước khi uống đủ lượng để thấy hiệu quả ảo giác do thujone mang lại.
KẾT LUẬN

Absinth có gây ảo giác không?
Không, thậm chí trong công thức truyền thống nhất thì cũng là không. Dù với vô số lời đồn rằng absinth đã phải thay đổi công thức để được quay lại hợp thức hoá, nhưng đa phần nghiên cứu cho ra kết quả thực sự là absinth không chứa đủ lượng thujone để gây ảo giác, absinth thường được cất khá nặng, mà thường độ cồn cao gây ảnh hưởng thế nào chắc ai cũng hiểu, huyền thoại về absinth sinh ra chủ yếu trong giới ăn chơi và nghệ sĩ, cũng vào thời thuốc phiện được sử dụng rất nhiều, nên cũng không dám nói chắc là ai bay do cái gì. Và thời đó thì rượu lậu/nấu tại gia được làm rất nhiều, thay vì dùng thảo mộc để tạo màu xanh diệp lục, có nơi lại dùng gốc đồng để tạo màu.
Absinth chỉ có thể mua ở Châu Âu và đặc biệt là ở Séc?
Không, absinth có thể mua ở nhiều nơi và ở Mỹ hiện cũng có nhiều nhà nấu rượu có sản xuất absinth chất lượng cao. Câu chuyện về Séc sinh ra vào khoảng năm 1990, sau Cách mạng Nhung – khi khách du lịch ùa đến Séc và sẵn sàng chi hàng đống tiền để mua bất kỳ thứ chất lỏng nào màu xanh và dán nhãn “absinth”, bất kể sự thực là thứ rượu này có nguồn gốc Thuỵ Sỹ và được nấu phổ biến nhất là ở phía Đông Nam nước Pháp. Thậm chí ngày nay, một số thị trường Châu Âu vẫn phổ biến loại rượu “thực tế là Vodka” và được ngâm với thảo mộc để tạo màu và vị gần giống – dĩ nhiên vẫn mượn cái tên absinth.
Absinth phải uống với thìa, đường, lửa và một cú đốt cực mạnh?
Không, đấy lại là sản phẩm của đất nước Séc xinh đẹp. Trong khi thực tế là ở giai đoạn huyền thoại nhất của nó, người Pháp thích uống “neat” hoặc uống với nước lạnh nhỏ giọt xuống ly absinth. Các uống với viên đường cháy chỉ trở nên phổ biến từ đầu thế kỷ XX. Cách này cung cấp cho rượu vị ngọt và hơi thoáng caramel cháy, nhưng như một số người sành rượu nhận định, cũng giúp che giấu nhược điểm của rượu “rởm”, vì việc dầm viên đường cháy vào ly rượu sẽ che khuất vị khó chịu của hương liệu rẻ tiền, cũng như che đi việc rượu rởm không “cloudy” trong nước như rượu thật. Có nhiều cách để uống absinth, và hãy chọn cho mình cách nào phù hợp nhất.
Bài: Quân Đặng - Lifestyle Columnist
Comments