80% doanh thu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến từ nước ngoài
Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, ước tính doanh thu thị trường xuất khẩu nước ngoài khoảng 7,5 tỷ USD, đóng góp 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Mới đây, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 4/2024 và kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Họp báo do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, Người phát ngôn của Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, cho biết chủ trương đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài đã mở ra không gian mới, một thị trường rất tiềm năng, một cách tiếp cận mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu. Theo thống kê của cơ quan này, Việt Nam hiện có hơn 45.000 doanh nghiệp hoạt hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 11.200 doanh nghiệp làm phần mềm.
Tính đến hết năm 2023, Việt Nam có khoảng trên 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài với ước tính doanh thu của thị trường nước ngoài hiện nay khoảng 7,5 tỷ USD, đóng góp 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường công nghệ thông tin nội địa gặp khó khăn, chủ trương đưa doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài đã mở ra không gian mới, một thị trường rất tiềm năng, một cách tiếp cận mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, khẳng định vị thế của công nghệ thông tin Việt Nam trên bản đồ thế giới, đóng góp giá trị cho ngành.
Về xếp hạng về gia công phần mềm, theo Báo cáo Chỉ số địa điểm dịch vụ toàn cầu (Global Service Location Index) năm 2023 của Tập đoàn A.T. Kearney, Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia trên thế giới cũng như top 10 khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong số 78 quốc gia được xếp hạng.
Trong 4 chỉ số thành phần cấu thành chỉ số chính gồm: Sức hấp dẫn tài chính; kỹ năng và sự sẵn có của con người; môi trường kinh doanh và cộng hưởng kỹ thuật số (hoạt động chuyển đổi số), Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao về chỉ số sức hấp dẫn tài chính và Cộng hưởng kỹ thuật số.
Trong khi đó, tiềm năng tăng trưởng công nghệ thông tin của thị trường thế giới vẫn còn rất lớn và tăng đều ổn định theo từng năm. Theo Tập đoàn Gartner, dự báo chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu ước tính trong năm 2024 đạt khoảng 5.000 tỷ USD tăng 6,8% so với năm 2023 và tiếp tục gia tăng khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại.
Về phân khúc thị trường công nghệ thông tin, theo dự báo của Statista, trong cơ cấu chi tiêu công nghệ thông tin của toàn cầu, chi tiêu cho dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông chiếm tỷ trọng chi tiêu lớn nhất với khoảng 1.500 tỷ USD mỗi loại hình, sau đó là chi tiêu phần mềm doanh nghiệp với khoảng 1.000 tỷ USD cho các phân khúc công nghệ thông tin thúc đẩy chuyển đổi số trên nhiều ngành khác nhau bao gồm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa quy trình và dịch vụ dữ liệu đám mây.
Bài: Navigator Media
Commenti